Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong sáng nay, 25/1.
Đánh giá kết quả hoạt động của PVN, ông Nguyễn Văn Bình cho biết cần phải nhìn nhận thành quả của Tập đoàn một cách tổng thể, bởi "cắt khúc ra đánh giá thì không đúng". Theo đó, PVN về cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, có những đóng góp xứng đáng trong phát triển kinh tế cũng như hoạt động khác, trong đó, có cả bảo vệ chủ quyền đất nước.
Những "vấp ngã, sai lầm" của PVN được ông Bình cho là tất yếu trong quá trình phát triển Tập đoàn. "Một lần vấp ngã thì một lần bớt dại, căn bản là phải nhìn nhận, khắc phục để tiến lên", ông nói.
Bên cạnh những vấn đề nội tại, PVN cũng gặp những vấn đề khó khăn do các yếu tố tác động từ bên ngoài như biến động kinh tế thế giới, giá dầu chưa ổn định... "Nhiều việc xảy ra nhưng cơ bản ngành dầu khí đã giữ vững được đội hình", ông Bình nhận xét.
Dù vậy, trước những khó khăn thách thức mà ngành dầu khí có thể phải đối diện trong thời gian tới, ông Bình lưu ý rằng cơ chế pháp luật đặt ra cho ngành lâu nay chưa có sự chuyển đổi, sự nhìn nhận của cơ quan pháp lý chưa được đầy đủ, cơ chế chính sách chưa hẳn thuận lợi.
Theo đó, trong tương lai, các chính sách cần có tầm nhìn mới, kết hợp với kinh nghiệm thế giới để có được khuôn khổ pháp lý chiến lược phù hợp. Ông Bình cho rằng điều này sẽ giúp Tập đoàn phát triển đúng hướng nhưng ổn định, vượt qua được khó khăn khi thị trường trong nước và quốc tế biến động.
"Khó khăn cơ chế chính sách pháp luật nếu không được giải quyết dứt điểm thì làm sao làm được những thứ Đảng và Nhà nước giao phó, kỳ vọng", ông nói và nhấn mạnh các quy định rõ ràng một mặt sẽ giúp quản lý thuận lợi, một mặt sẽ giúp cán bộ yên tâm công tác.
Như vậy, về cơ bản, Ban Kinh tế Trung ương đồng tình với kiến nghị sửa đổi Luật Dầu khí của PVN. Theo đó, ông Bình đề nghị PVN và các doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tổ chức nghiên cứu sâu, trình bộ ngành chức năng xem xét để báo cho Chính phủ, Quốc hội về nội dung này.
Luật dầu khí sẽ được điều chỉnh cho tất cả hoặc phần lớn các hoạt động dầu khí quan trọng, trong đó có cả các quy định liên quan đến đầu tư ra nước ngoài và giải quyết những bất cập xung đột với các luật khác như Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng theo hướng ưu tiên áp dụng luật Dầu khí phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc điểm tình hình thực tế.
Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một trong những nội dung quan trọng nhất, đột phá chiến lược.