Chiều 11.3, Bộ Công an chính thức thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về hành vi tổ chức đánh bạc.
Cơ quan điều tra cho biết, đường dây đánh bạc nghìn tỷ được điều hành bởi Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch của VTC Online) và Nguyễn Văn Dương.
Nguyễn Văn Dương được coi là "đại gia bí ẩn" bởi cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Dương đã bị bắt do liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ, song cái tên Nguyễn Văn Dương hoàn toàn mới lạ, rất ít thông tin về nhân vật này.
Theo một số kênh thông tin, Nguyễn Văn Dương (SN 1975) là Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC). Công ty được thành lập trong tháng 9.2011, và có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cổ đông ban đầu của CNC gồm: Nguyễn Văn Dương (góp 18 tỷ đồng ) và Vũ Kim Hà (góp 2 tỷ đồng). Tháng 3.2016, Vũ Kim Hà thoái vốn khỏi CNC thay vào đó là Lưu Thị Hồng.
Ngày 5.4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao Giấy phép Hoạt động cung ứng Dịch vụ Trung gian thanh toán cho sản phẩm Hệ thống thanh toán PAY365 của Công ty Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC)
Theo đó, công ty CNC được cấp phép cung cấp 3 nhóm dịch vụ gồm: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ ví điện tử; Dịch vụ thu hộ, chi hộ với thời hạn 10 năm.
Hệ thống thanh toán của Công ty CNC là một ứng dụng miễn phí trên website, điện thoại di động và TV, giúp chủ thẻ ngân hàng thanh toán cho các hoạt động mua sắm hàng ngày với hệ thống đa dạng các điểm chấp nhận thanh toán thuộc nhiều lĩnh vực.
Với hệ thống đối tác đông đảo của CNC, người sử dụng dịch vụ Trung gian thanh toán của Công ty CNC sẽ có thể thanh toán tiện lợi với mọi nhu cầu ăn uống, mua sắm, du lịch, giải trí hay đi lại. Phương thức thanh toán hiện đại này sẽ thay thế cho cách chi trả tiền mặt truyền thống vốn nhiều rủi ro và bất cập.
Đại diện CNC cho biết, Hệ thống thanh toán của công ty hội tụ những công nghệ tân tiến nhất của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như trí thông minh nhân tạo, máy học, công nghệ blockchain, dữ liệu lớn và dữ liệu thông minh. Trong đó, với chatbot của hệ thống, người dùng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán từ thông dụng như nạp, rút, chuyển tiền tiến đến các hoạt động tư vấn quản lý tài chính cá nhân.
Đến nay, Công ty CNC đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử, kết nối với các tổ chức tài chính để xây dựng cổng thanh toán điện tử, kinh doanh nội dung số và dịch vụ giá trị gia tăng trên viễn thông, xây dựng mạng xã hội về giải trí và sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao cho biết: “Thay vì phải ghi nhớ số tiền trong các thẻ ngân hàng, hay phải mang hàng loạt thẻ ATM để thanh toán dịch vụ, người sử dụng chỉ cần 1 chiếc điện thoại đã được tích hợp hệ thống thanh toán của CNC để thực hiện tất cả các giao dịch cần thiết trong cuộc sống. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp hệ thống thanh toán vào các ứng dụng trong cuộc sống số nhiều hơn nữa, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng dịch vụ thanh toán bằng sự tiện dụng".
Ông Chủ của BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn?
Theo Nhà đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư UDIC được thành lập tháng 1.2010. Pháp nhân do ông Nguyễn Văn Dương (SN 4.3.1975, số CMND 011830339, địa chỉ thường trú: số 190 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đứng tên Chủ tịch HĐQT.
Công ty cổ phần đầu tư UDIC của ông Nguyễn Văn Dương không mấy nổi bật cho đến khi được chấp thuận đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, có tổng vốn 12.188,66 tỷ đồng.
Công ty cổ phần đầu tư UDIC là cái tên lớn nhất trong liên danh 4 nhà đầu tư tham gia dự án BOT: Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Ql1 đoạn Km1+800-Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn.
Theo Vụ đối tác công – tư (Bộ Giao thông Vận tải), đây là dự án BOT giao thông nhóm A, với tổng mức đầu tư lên đến 12.188,66 tỷ đồng (chưa quyết toán). Dự án được khởi công ngày 05/07/2015 và có thời gian vận hành, khai thái (thu phí) dự kiến là 21 năm 5 tháng.
Nhà đầu tư của dự án này là liên danh: Công ty cổ phần đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư 468, Công ty CP GTXD số 1, Công ty TNHH Mỹ Đà, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư UDIC giữ cổ phần lớn nhất – với 491,72 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38%; Thứ đến là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (349,38 tỷ đồng – 27%); Công ty CP Đầu tư 468 (194,10 tỷ đồng – 15%); Công ty CP GTXD số 1 (129,40 tỷ đồng – 10%); Công ty TNHH Mỹ Đà (129,40 tỷ đồng – 10%).
Góp gần 525 tỷ đồng vốn điều lệ, và chi phối gần như tuyệt đối cổ phần Công ty cổ phần đầu tư UDIC, tuy nhiên, Nguyễn Văn Dương không đứng tên người đại diện theo pháp luật của công ty. Thời đó, cương vị này được giao cho ông Lê Việt Dũng (SN: 1978). Theo cập nhật mới nhất thì tại đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10.7.2017, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư UDIC là ông Nguyễn Hữu Dũng – Tổng Giám đốc.
Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, trong đợt tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 528,37 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư UDIC vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Dương đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,05% lên 99,29%, tương đương giá trị vốn góp 524,6 tỷ đồng.
Trong đợt tăng vốn này, hai cổ đông sáng lập là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) và Công ty CP Thương mại Việt Hồng đã thoái hết vốn khỏi Đầu tư UDIC. Bản thân Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) cũng giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,5% về 0,71%.
Tuy nhiên mới đây, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho biết, SBRC đã nắm 51% vốn cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư UDIC (tổng vốn điều lệ 781,73 tỷ đồng).
Tháng 7.2017, Công ty cổ phần đầu tư UDIC cũng đã bố cáo thay đổi thông tin. Theo đó, người đại diện của Đầu tư UDIC hiện nay là ông Nguyễn Hữu Hùng (SN 1975).