Trước hết, sự lãng phí được đề cập ở đây chính là năng lượng. Trong phần thảo luận trước đó, đại sứ Bruno Angelet – Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: Cường độ sử dụng điện của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp đôi trung bình thế giới. Việt Nam đã có nỗ lực trong việc sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhưng nếu không sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả thì cũng không thể giải quyết được vấn đề an ninh năng lượng.
Tình trạng lãng phí năng lượng một phần đến từ năng lực phân bổ điện lưới và đường dây truyền tải kém, nhưng phần lớn khác cũng do tình trạng nhập khẩu máy móc, công nghệ cũ với hiệu năng không cao, gây thất thoát, lãng phí điện trong quá trình sử dụng. Điều này đã dẫn đến những hậu quả nhìn thấy được về cạn kiệt năng lượng.
Trước đây, năng lượng Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào thủy điện và điện than. Đến năm 2017, tiềm năng của các loại năng lượng truyền thống này gần như đã khai thác hết, thủy điện không còn khoảng trống để mở rộng thêm. Cuối năm 2018 không còn lượng than dự trữ để đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện, than đã phải nhập khẩu. Về năng lượng khí, các mỏ dầu khí gần như đã cạn kiệt. Sau năm 2018, Việt Nam đã phải nhập khẩu năng lượng để sử dụng.
Phía EVN báo cáo: Năm 2018, Việt Nam sản xuất được trên 200 tỷ kWh điện, trong khi đó dự kiến đến năm 2020 cần đến 570 tỷ kWh. Trong khi đó, hầu như các nguồn năng lượng sơ cấp đều đã khai thác gần cạn kiệt.
Đối với câu hỏi của ông Thành về việc nếu thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng có cần duy trì tăng trưởng năng lượng cao nữa hay không, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương – ông Bùi Quốc Hùng trả lời: Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội, nếu muốn đạt được tăng trưởng kinh tế là 7% thì tăng trưởng năng lượng vẫn phải đạt mức 10% trở lên.
"Để phát triển bền vững đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế sẽ đặt ra bài toán khó đối với việc phải đồng thời phát triển năng lượng tái tạo cũng như duy trì năng lượng truyền thống", ông Hùng chia sẻ.
Sự lãng phí thứ hai được đề cập đến trong buổi thảo luận chính là chi phí huy động vốn đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Thành nói: trong quá trình huy động vốn phải mang lại lợi ích và đảm bảo khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư. Xu hướng hiện nay là mời các nhà đầu tư nước ngoài, vì được cái lợi là vốn của họ có sẵn, công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, do có trục trặc về hợp đồng và chưa rõ ràng trong việc chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, dẫn đến chi phí huy động vốn từ khu vực ngoài Nhà nước đội lên rất cao.
Ông Thành nhận xét: "Thực ra tư nhân không cần chính phủ bảo lãnh mà cần một cơ chế phân bổ rủi ro hiệu quả".
Buổi thảo luận đã tập trung đưa những giải pháp để giảm thiểu lãng phí nguồn lực. Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, ông Phạm Công Tạc phát biểu: tiến trình loại bỏ các thiết bị tiêu tốn năng lượng, không lắp đặt mới các tổ máy phát điện hiệu suất thấp đang được triển khai hoàn thiện trên cả nước. Bên cạnh đó là việc hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ, công nghệ không thân thiện môi trường và các thiết bị tiêu tốn quá nhiều năng lượng.
Để cải thiện môi trường đầu tư, ông Kyle Kelhofer Giám đốc quốc gia, IFC Việt Nam cho rằng cần chia sẻ trách nhiệm và đảm bảo bảo lãnh huy động vốn, với các khoản FDI cần rõ ràng khung pháp lý về hoàn vốn. "Không cần phải thay đổi hoàn toàn định hướng nhưng phải tìm ra giải pháp hiệu quả hơn, ví dụ như tổ chức đấu thầu các dự án năng lượng, các dự án hòa lưới điện", ông Kyle Kelhofer nói.