Để trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, tuổi thơ ông Thanh trải qua khá nhiều cơ cực. Ông Thanh kể, năm 1992, rời quê hương Tiền Giang, ông Thanh đến xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) lập nghiệp.
Ngày đó, xã Tân Định là vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt, không có điện, nước, đường sá đi lại khó khăn.
Tới giờ, ông Thanh vẫn không quên những ngày đầu khốn khó, còn đeo bọc đi nhặt ve chai. Bữa nào ông nhặt được đồ đồng nát thì biết là có tiền mua cơm. Thi thoảng, ông bắt được con rùa, con nhím thì gia đình được bữa cơm có thịt.
Quyết tâm thay đổi cuộc sống, gia đình ông mạnh dạn cải tạo đất, trồng cây cao su. Nhưng thời đó chưa có máy móc để cơ giới hóa, ông phải dùng sức người lật, cày từng lớp đất sỏi khô cằn. Những ngày khai khẩn, vất vả không kể xiết.
Khi vừa xuống giống cao su, ông trồng xen canh cây khoai mì để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời, ông kết hợp nuôi heo để vừa có thêm thu nhập vừa sử dụng phân thải ủ hoai mục chăm sóc lại vườn cây. Mủ cao su được giá, đời sống gia đình mới từng bước cải thiện.
Từ khi cao su giảm giá rồi tuột giá kéo dài, ông Thanh chuyển sang trồng cây có múi, nhiều nhất là bưởi và cam. Năm 2014, ông thử nghiệm trên diện tích 3,5ha.
Do trang trại nằm trên đồi cao, ông tự bỏ kinh phí lắp đặt đường dây điện để cơ giới hóa thay bớt sức người.
Tận dụng nguồn nước dồi dào ở nằm cạnh dòng sông Bé, ông dùng máy điện đưa nước lên, trữ trong hồ chứa, rồi lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để việc canh tác thuận tiện hơn.
Nhờ chịu khó nghiên cứu, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, ông Thanh áp dụng phương pháp trồng theo hướng hữu cơ để vườn cây phát triển bền vững.
"Mô hình trồng cây ăn trái cho hiệu quả cao, 1 ha bưởi cho thu nhập bằng 5 ha cao su", ông Thanh nói.
Tiếp nối thành công, năm 2018, ông tiếp tục chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả, lập trang trại Tám Thanh chuyên canh các loại cây ăn trái.
Đến nay, trên tổng diện tích 16 ha, ông Thanh có 4 ha bưởi , 4 ha cam, 1 ha quýt, 1 ha sầu riêng và 6 ha cao su.
Bắt đầu hợp tác xuất khẩu bưởi với doanh nghiệp được hơn 1 năm nay, ông Thanh cho biết, nguồn thu từ bưởi khá ổn định. Các loại trái cây khác cũng được ông định hướng đầu ra theo hợp đồng ổn định. Những trái bưởi mẫu mã không đạt thì ông đưa vào chế biến thành rượu bưởi để gia tăng giá trị.
Hiện nay, bình quân lợi nhuận của trang trại Tám Thanh đạt 2,2 tỷ đồng/năm. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động cố định ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Thanh còn là tấm gương tiêu biểu trong hiến đất làm đường giao thông nông thôn, và xây dựng nông thôn mới.
Năm 2011, Nhà nước có chủ trương xây dựng và mở rộng đường giao thông nông thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương cũng chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường nông thôn dài 6 km ở ấp Vườn Ươm (xã Tân Định).
Đất đai luôn là tài sản quý dù ở nông thôn hay thành thị, nhưng thấy nỗi khổ của con em và người dân ở địa phương, ông Thanh không ngần ngại hiến luôn 1,3 ha đất và 400 triệu đồng để giúp địa phương làm đường giao thông nông thôn, phục vụ dân sinh.
Năm 2015 và 2018, ông tiếp tục chi hơn 500 triệu đồng để tu sửa các con đường liên ấp bị xuống cấp giúp bà con đi lại, thuận lợi vận chuyển vật tư, nông sản.
Có nhiều cách để hỗ trợ chăm lo an sinh xã hội, trong đó việc tự nguyện đóng góp tiền của, đất đai cũng là một cách để chung tay cùng chính quyền địa phương. "Trên con đường đó, chính mình và người dân cùng được lợi", ông Thanh tâm sự.
Ông Vũ Quang Đũa, người dân ở ấp Thuồng Luồng (xã Tân Định) kể, ngày trước đường sá đi lại khó khăn, gia đình ông Thanh đã không ít lần tự nguyện bỏ số tiền lớn để làm đường.
Nhờ ông Thanh hỗ trợ, bà con rất phấn khởi vì đường sá thuận tiện. Cũng nhờ đó, nhiều tuyến đường khác đã hoàn thành. Từ đây, mọi người ra sức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
"Ông Thanh còn tích cực vận động người dân tham gia đóng góp, đồng thuận giao đất, di dời hàng rào, phát hoang cây trồng, góp phần xây dựng nông thôn mới", ông Đũa chia sẻ.
Hiện, Bình Dương đang hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái ở các xã ven sông; như sông Bé, nơi có nền đất phù sa cổ rất phù hợp phát triển vùng chuyên canh cây có múi.
Ông Trương Thanh Quang - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, trong lĩnh vực trồng cây có múi, ông Thanh là người uy tín. Từ thành công của mình, ông hỗ trợ kỹ thuật lại cho các nông dân khác phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình, làm giàu cho quê hương.
Ông Thanh xứng đáng là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Những nỗ lực, thành công của ông Thanh, cùng các nông dân khác đang khẳng định thương hiệu trái cây có múi ở xã Tân Định nói riêng, cũng như huyện Bắc Tân Uyên nói chung. Sản phẩm từng bước chiếm lĩnh phân khúc thị trường trung và cao cấp, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Trương Thanh Quang chia sẻ.