Chia sẻ với báo Lao Động , ông Nhân cho biết, nhiều năm về trước, một lần đến thăm vườn cây của cha vợ tại xã Mỹ Phước (huyện Kế Sách), tình cờ thấy một cây vú sữa đặc biệt hơn những cây còn lại.
Thời điểm đó nghịch mùa mà cây vẫn ra trái, vỏ mỏng, ăn vào ít mủ lại nhiều nước, vị ngọt thanh... Nhận thấy đây là giống cây quý, nên ông xin phép cha vợ được chiết cành về làm giống.
Ông Nhân cho biết thêm, bản thân cũng là một nông dân chưa từng qua một trường lớp đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp. Đầu năm 2012, ông bắt đầu từ 100 cây vú sữa giống của cha vợ. Nhưng thời điểm đó điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc bón phân, phun thuốc rất hạn chế.
Tuy nhiên, cũng may mắn giống vú sữa đột biến này chỉ mất 14 tháng bắt đầu ra hoa và cho trái. Từ lúc ra hoa đến khoảng 4 tháng có thể thu hoạch, vừa nhẹ công chăm sóc, lại cho trái quanh năm, so với giống vú sữa thường thu hoạch một năm 1 lần.
Đặc biệt hơn, vùng đất Nhơn Mỹ thường bị xâm nhập mặn nên kén giống cây trồng. Nhưng loại vú sữa này có thể chịu được độ mặn cao. "Tôi còn nhớ vào năm 2016, toàn địa bàn xã bị xâm nhập mặn, đo được nồng độ mặn đến 3 phần nghìn, nhưng vườn vú sữa nhà tôi chỉ bị rụng lá, sau đó vẫn cho trái bình thường", ông Nhân nhớ lại.
Về năng suất, cây vú sữa tím đột biến rất dễ trồng, có thể đạt từ 400-500 kg/cây/năm (mỗi trái có trọng lượng từ 250-600 gam). Loại cây này giúp ông dễ dàng kiếm được 3,5 tỷ đồng/3,5ha/năm (giá biến động ở mức cao, đặc biệt vào thời điểm các loại vú sữa khác không có trái bán).
Thấy được tiềm năng từ cây sữa tím đột biến, nhiều bà con xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã tìm đến ông Nhân mua cây giống về trồng. Đến nay, đã có 11,3ha vú sữa tím đột biến có mã số vùng trồng và trên 30ha khác chưa có mã số vùng trồng.
"Hiện có 9 hộ trồng vú sữa tím đột biến trong vùng có mã số vùng trồng và khoảng 44 hộ chưa có mã số vùng trồng (phần lớn diện tích vườn mới, chưa cho trái ổn định). Riêng trong vùng mã số vùng trồng, sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 7.500 đồng/kg, người dân đạt lợi nhuận tối thiểu 600 triệu đồng và lợi nhuận cao nhất có thể trên 1 tỷ đồng/ha/năm", ông Nhân thông tin với Dân Việt .
Do vú sữa tím đột biến ra bông, cho trái quanh năm nên ông Nhân đặt tên giống cây này là vú sữa tím tứ quý. Sau đó, đăng ký công nhận cây đầu dòng.
Để thuận tiện trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất cây vú sữa tím đột biến, năm 2020, ông Nhân thành lập hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Phước.
Đa số các xã viên có nhu cầu sẽ được hợp tác xã (hiện hợp tác xã có 21 xã viên) cung cấp cây giống, phân, thuốc sinh học, túi bao trái và thu mua trái khi thu hoạch.
Với đặc tính nổi trội, lại có mẫu mã đẹp, vú sữa tím của ông Nhân được thị trường rất ưa chuộng.
Ngoài việc liên kết với doanh nghiệp bán sang thị trường Mỹ, vú sữa tím tứ quý của hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Phước cũng tiêu thụ thị trường nội địa. Sản phẩm vú sữa tứ quý cũng đã được công nhận OCOP 4 sao và có tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Hiện diện tích vú sữa tím tứ quý ở huyện Kế Sách không ngừng được mở rộng. Do đó, doanh thu hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Phước tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.
Ngoài loại vú sữa nói trên, hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Phước còn quyết định trồng, kinh doanh một số loại cây ăn trái khác có tiềm năng kinh tế khá cao. Cụ thể là ổi siêu hồng giòn, mận hồng Sóc Trăng và mận xanh đường Sóc Trăng.
Ngoài ra, hợp tác xã của ông Nhân còn quản lý vùng trồng thanh nhãn (20,4ha). Toàn bộ diện tích này đã có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi Úc và đi Mỹ.
"Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Phước ưu tiên hàng đầu trong việc trồng và kinh doanh vú sữa tím tứ quý. Tuy nhiên, vẫn phải cần thêm các loại cây trái ngon khác để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng và hướng tới du lịch cộng đồng. Hơn nữa, tất cả các loại cây trồng trên đều rất dễ trồng, không kén đất"- ông Nhân thông tin thêm.
Với những kết quả đạt được, ông Nhân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.