Rạng sáng 9/3 theo giờ Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cùng 10 bộ trưởng các nước thành viên đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago, Chile.
Nhận định về sự kiện này, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá cao sự kiên định của các thành viên trong việc tiếp tục đối thoại để đạt được những thỏa thuận cần thiết tiến tới ký kết Hiệp định, dù Mỹ - đối tác được coi là lớn nhất - tuyên bố rút lui khỏi TPP vào tháng 1/2017.
Theo ông Hải, về mặt nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, do đó đây là hiệp định rất toàn diện đúng như tên gọi, tiến bộ hơn những hiệp định trước đó.
“Đối với tôi, việc CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng”, CEO HSBC Việt Nam nói.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải
Ông Hải cũng cho rằng, với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%. Nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi.
“Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD/năm”, người đứng đầu HSBC Việt Nam chia sẻ.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ra đời nhằm thay thế TPP sau khi Mỹ rút lui. Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 trong 11 thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, phê chuẩn.
CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 quốc gia có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu. Với gần 500 triệu dân, đây được đánh giá là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.
63% DN Việt Nam kỳ vọng những ảnh hưởng tích cực từ CPTPP
Khoảng 2/3 (63%) các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ, theo kết quả một khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu của HSBC.
Trong số 1.150 doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.
Trong số 11 quốc gia tham gia ký hiệp định CPTPP, 6 quốc gia có mặt trong khảo sát này bao gồm: Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam.
“CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định", ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam nhận định.