Chia sẻ tại Talkshow Bí mật đồng tiền với chủ đề "Wednesday", nhà đầu tư sẽ có thể tìm ra được cánh cửa "phục thù", biến lỗ thành lãi hay đơn giản mở rộng hơn kiến thức, kinh nghiệm và sự bền bỉ của bản thân.
Bàn luận về động thái Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, ông Phạm Lưu Hưng, Mr. X30, vị Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI đánh giá rằng câu chuyện này sẽ có ảnh hưởng khá tích cực không chỉ đến kinh tế thế giới mà còn tích cực tới nền kinh tế nước ta, đặc biệt ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rõ rệt. Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý việc mở cửa trở lại không hoàn toàn ảnh hưởng tích cực khi Trung Quốc sẽ phải chứng kiến số ca Covid tăng lên nhanh chóng.
Ngoài ra, toàn cầu hóa trên thế giới hiện ở mức thấp, sự cạnh tranh về mặt công nghệ khá cao điển hình tại các nước lớn. Hà Lan, Nhật Bản, hay Mỹ đều muốn hạn chế máy móc sản xuất chip tại Trung Quốc. Như vậy, ảnh hưởng từ một quốc gia như Trung Quốc khi mở cửa trở lại sẽ không quá cao như trước đó.
Đánh giá tác động tới ngành hàng không, ông Hưng cho rằng với toàn ngành nói chung, khách du lịch nước ngoài phát triển mạnh chính là "miếng mồi ngon nhất". Hơn thế nữa, khách quốc tế tăng trở lại đi kèm với biên lợi nhuận tăng cao chưa kể bối cảnh giá xăng dầu trên thế giới ở xu hướng giảm khá mạnh.
Song song, nhà đầu tư cần xem xét với từng doanh nghiệp cụ thể, điển hình như HVN cần xem xét khả năng tăng vốn hoặc xử lý các vấn đề từ phía SCIC.
Về nhóm ngành tiêu dùng, vị kinh tế trưởng SSI nhận định triển vọng tăng trưởng sang năm tới của nhóm này trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam có khả năng thấp hơn 2022. Ngoài ra, có khá nhiều mặt hàng điện tử, đồ gỗ tại Mỹ vẫn đang ở mức tồn kho tăng cao trong khi nhu cầu khá thấp, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, ông Hưng cho rằng tình hình tương đối khó khăn. Triển vọng ngành tiêu dùng không phải quá sáng sủa trong năm 2023, song tùy theo mức độ định giá mà nhà đầu tư vẫn có thể tìm được nhiều cơ hội. Tất nhiên, cơ hội này có chọn lọc chứ không dành cho tất cả.
Về nhóm bất động sản, các chỉ thị, văn bản của Thủ tướng và Chính phủ về thị trường này rất nhiều, trong đó xu hướng chung là để phát triển thị trường bất động sản. Trong dài hạn, việc sửa đổi luật đất đai xuất hiện nhiều điểm mới có thể làm thị trường BĐS phát triển hơn như phân khúc liên quan du lịch (như Condotel,…) có thể được cấp sổ đỏ hay chứng nhận quyền sở hữu. Trong ngắn hạn, việc sửa đổi Nghị định 65 hay nới room tín dụng đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn sau giai đoạn thanh khoản ngành gặp khó.
Trước tiên, với việc nới room tín dụng, nhà đầu tư cần quan sát không phải tất cả 2% của việc nới room sẽ đổ vào BĐS, mà phải là các doanh nghiệp tốt đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí cho vay mới được Ngân hàng cấp tín dụng.
Thứ hai, với việc sửa đổi NĐ 65, kinh tế trưởng SSI đưa ra quan điểm tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, không phải bất cứ việc sửa đổi nào cũng sẽ đi vào cuộc sống ngay lập tức để cứu được thanh khoản thị trường trong ngắn hạn, do đó nhà đầu tư vẫn cần phải theo dõi thêm.
Cụ thể hơn về chi tiết sửa đổi giãn thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp bất động sản, chẳng hạn như việc gia hạn trái phiếu thêm 2 năm, ông Hưng cho rằng quan trọng nhất phải có sự đồng thuận từ người mua (trái chủ) mới xử lý được. Việc cho phép chuyển trái phiếu thành các khoản nợ hay tài sản khác, giống như tạo cơ sở pháp lý cho người mua và doanh nghiệp có thể đàm phán với nhau thực hiện một số QĐ như gia hạn thêm, đổi thành nhà ở,… Nhiều nhà đầu tư có suy nghĩ rằng sau khi có quyết định ngay lập tức trái phiếu sẽ được gia hạn thêm 2 năm là không phải, trước hết phải có sự đồng ý từ trái chủ mới có thể thực hiện.
"Nhà nước đưa ra khuôn khổ pháp lý để mọi người có thể thực hiện trong 1-2 năm tới, còn có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào trái chủ và nhà phát hành", ông Hưng cho hay.