Sau chuỗi phiên tăng không ngừng nghỉ, thị trường chứng khoán Việt Nam bỗng chốc đảo chiều lao dốc. Sau mỗi phiên VN-Index "bốc hơi" hơn 10 điểm, các blue-chips hao hụt giá trị đi rất nhiều. ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros là một trong những mã giảm sâu nhất.
Trong phiên giao dịch 4 và 5/12, ROS lần lượt giảm 10.900 đồng/cp, tương ứng 6,1% và 10.500 đồng/cp, tương ứng 6,2%. Tới đầu phiên 6/12, ROS duy trì đà giảm sâu đầu phiên. Nhưng rất nhanh sau đó, lực cung ồ ạt xuất hiện khiến ROS giảm sàn, giảm 11.000 đồng xuống 146.500 đồng/cp, mức thấp nhất của ROS kể từ 23/10. Tới phiên 7/12, dù phục hồi nhưng ROS vẫn dừng ở mức thấp 152.200 đồng/cp. Có thể thấy, chỉ sau 4 ngày, ROS "bay" mất hơn 26.700 đồng/cp. Còn so với mức "đỉnh" thiết lập trong ngày 3/11, ROS đã giảm 61.900 đồng/cp, tương ứng 29%.
Đà giảm đó của ROS khiến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC Faros và Tập đoàn FLC bị ảnh hưởng nặng nề. Sau 1 tháng, giá trị cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Quyết giảm 19.716 tỷ đồng, xuống 48.478 tỷ đồng.
Không giảm sâu như ROS nhưng cổ phiếu FLC cũng đi lùi. Hiện tại, FLC lình xình ở mức 6.850 đồng/cp. FLC giao dịch dưới mệnh giá trong suốt thời gian dài qua. Ở mức giá này, FLC giúp ông Trịnh Văn Quyết có được lượng tài sản tương đương 1.063 tỷ đồng.
Ông Quyết sở hữu thêm cổ phiếu ART của Công ty Chứng khoán Artex. Tuy nhiên, do tỷ lệ sở hữu thấp nên lượng cổ phiếu này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quyết và chỉ đạt 38 tỷ đồng.
Hiện tại, tổng giá trị tài sán trên thị trường chứng khoán của ông Quyết đạt khoảng 49.579 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup ít biến động hơn nên ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, đã vượt qua ông Trịnh Văn Quyết để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, trong khi ROS giảm sâu 4 phiên liên tiếp, VIC giảm khá nhẹ. So với mức đỉnh thiết lập trong ngày 21/11, VIC mới chỉ giảm khoảng 5.000 đồng/cp, tương ứng 6,5%, giảm nhẹ hơn rất nhiều so với cả thị trường nói chung và ROS nói riêng.
Vì vậy, đà giảm tài sản của ông Vượng trong "cơn bão lao dốc" trên thị trường không đáng kể. Hiện tại, cổ phiếu VIC mang về cho ông Vượng khối tài sản tương đương 52.126 tỷ đồng, nhiều hơn ông Quyết khoảng 2.547 tỷ đồng. Đây là khoảng cách mà ông Quyết khó có thể rút ngắn được vì ROS đã tăng khá mạnh trong thời gian qua và đến ngưỡng điều chỉnh.
Cuối năm 2017 là khoảng thời gian nhiều niềm vui cho ông Phạm Nhật Vượng, bên cạnh việc lấy lại vị trí số 1 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Vượng còn cải thiện mạnh vị trí trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Theo thống kê của Forbes, tới ngày 5/12, tài sản của ông Vượng đạt 4,2 tỷ USD. Nhờ vậy, ông Vượng đã vươn lên top 400 người giàu nhất thế giới. Cùng chung vị trí với ông Vượng là 13 tỷ phú. Trong đó đáng chú ý là những đại gia đến từ châu Á như Pansy Ho, Vichai Srivaddhanaprabha, Keiichiro Takahara, Wang Chuanfu và Samuel Yin.
Pansy Ho là cổ đông lớn tại MGM Trung Quốc. Nữ tỷ phú Hongkong là con gái của huyền thoại sòng bài Stanley Ho. Trong khi đó, đại gia du lịch Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha còn được biết đến là cổ đông lớn tại Thai Air Asia.
Tỷ phú Keiichiro Takahara không phải là cái tên nổi bật ở Việt Nam. Thế nhưng, Unicharm, công ty do ông sáng lập thì rất quen thuộc. Unicharm có những sản phẩm nổi tiếng như bỉm Moony và MamyPoko.
BYD là công ty sản xuất pin, xe điện nổi tiếng ở Trung Quốc. Tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã rót vốn vào BYD để sở hữu 8% vốn công ty. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông chủ BYD Wang Chuanfu sở hữu khối tài sản lên tới 4,2 tỷ USD.
Samuel Yin, ông chủ Ruentex Group của Đài Loan cũng có khối tài sản đạt 4,2 tỷ USD và đứng chung top 400 với tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam. Thời gian qua, ông Vượng đã vượt những cái tên kể trên về tốc độ tăng tài sản.
Với 4,2 tỷ USD, tài sản của ông Vượng đã tăng 1,8 tỷ USD, tương ứng 75% so với tháng 3/2017 và tăng 2,4 tỷ USD, tương ứng 133% so với tháng 3/2016, tăng 2,7 tỷ USD, tương ứng 180% so với tháng 3/2013.
Bảo Linh