Theo sắc lệnh do Tổng thống Putin ký, Nga sẽ cho phép một số công ty bỏ qua phiếu bầu của các cổ đông đến từ những quốc gia "kém thân thiện" khi đưa ra các quyết định của công ty. Những nước bị cho là "kém thân thiện" là những quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, nghị định trên không nêu rõ những công ty nào sẽ được áp dụng biện pháp này.
Cũng trong ngày 17-1, Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga có thể đã suy giảm 2,5% vào năm 2022, nhưng vẫn hoạt động tốt hơn so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia.
Ông Putin đưa ra nhận định trên trong phần phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức hàng đầu, bao gồm bộ trưởng tài chính và giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga. Ông nhấn mạnh Nga cần phải kích thích tăng trưởng tiền lương thực tế.
"Diễn biến thực tế hóa ra tốt hơn nhiều dự báo của chuyên gia. Theo Bộ Phát triển kinh tế, GDP của Nga trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11-2022 đã giảm, nhưng chỉ ở mức 2,1%", ông Putin nói.
Tổng thống Nga lưu ý thêm: "Một số chuyên gia trong nước, chưa kể chuyên gia nước ngoài, dự đoán mức giảm 10% và 15%, thậm chí 20%. Tính chung cả năm (tăng trưởng) dự kiến giảm 2,5%".
Theo Hãng tin Reuters, "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine và hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây sau đó đã làm đảo lộn một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga.
Phương Tây cũng cắt đứt các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi mạng lưới tài chính SWIFT, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và xuất khẩu dầu khí của quốc gia này.
Dù thừa nhận còn nhiều khó khăn, Matxcơva tuyên bố nền kinh tế của họ đang phục hồi. Phía Nga cũng khẳng định phương Tây "bị phản đòn" bởi các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy lạm phát và khiến giá năng lượng tăng cao.