Những ngày gần đây, cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNfoods niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) có sự biến động khá lớn về giá. So với đỉnh giá 3 tháng, cổ phiếu GTN hiện đã mất khoảng 35% giá trị. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và đặt câu hỏi về tình hình hoạt động của Công ty.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Tạ Văn Quyền-chủ tịch HĐQT của GTNfoods- khẳng định công ty đã hoàn thành được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm qua và đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh, bền vững.
Thưa ông, vì đâu mà cổ phiếu GTN giảm sâu như vậy trong khi thị trường chung tăng giá?
Trước hết, tôi khẳng định rằng hoạt động kinh doanh của GTNfoods hoàn toàn bình thường, trong năm vừa qua, Công ty đã hoàn thành được mục tiêu rất quan trọng, đó là tái cấu trúc để trở thành công ty thực phẩm sạch từ chuỗi giá trị Nông Nghiệp bền vững và khép kín.
Năm 2017 cũng là năm ghi nhận bước phát triển mạnh mẽ về các chỉ tiêu tài chính của Công ty, cụ thể như: Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng (tương đương tăng 108% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó riêng mảng Sữa đóng góp tới 2.466 tỷ doanh thu thuần. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (Sữa và Trà) tăng 690% so với cùng kỳ, đạt 2962 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 4% tại năm 2016 lên 12% tại năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ, tăng 116 tỷ đồng (tương ứng tăng 714% so với năm 2016). Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 14,4 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu hoàn toàn là từ yếu tố khách quan của thị trường. Khi cổ phiếu giảm giá sâu, ban lãnh đạo GTNfoods cũng đã nghiêm túc đánh giá các yếu tố có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu giảm giá để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Chúng tôi nhận thấy, biến động giá có thể do việc Ông Michael Rosen đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phần do cá nhân ông sở hữu và thông tin về Quỹ ETF (FTSE Vietnam ETF) có thể thoái cổ phiếu GTN trong đợt tái cơ cấu tới đây.
Vì sao Tổng giám đốc Michael Rosen lại bán lượng lớn cổ phiếu? Liệu, ông Michael có tiếp tục đồng hành cùng GTNfoods thời gian tới?
Ông Michael Rosen chỉ đăng ký bán ra một phần số cổ phiếu do cá nhân ông sở hữu mà thôi. Việc bán ra là do nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn của cá nhân. Nếu bán thành công cổ phiếu, ông Michael vẫn nắm giữ 3,65 triệu cổ phiếu GTN và vẫn đóng vai trò là cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu GTN nhất.
Việc ETF thoái vốn gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, ông nhận định ra sao về điều này?
Quỹ ETF có những nguyên tắc nhất định trong việc mua, bán cổ phiếu. Cổ phiếu nào lọt rổ, cổ phiếu nào bị loại ra phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường của cổ phiếu. Năm qua, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lên sàn niêm yết và giao dịch của các cổ phiếu đó cũng phù hợp với nguyên tắc cho vào rổ của quỹ ETF hơn. Chính vì thế, GTN có thể bị loại ra khỏi rổ.
Bị loại ra khỏi rổ chỉ số, theo tôi, không phải là vấn đề gì quá đáng ngại cả. Việc nhiều nhà đầu tư cùng bán ra cổ phiếu GTN tại một thời điểm, gây mất cân bằng cung cầu và ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu trong ngắn hạn mà thôi. Bản chất, GTNfoods vẫn là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng bền vững.
Ông có thể nói rõ thêm về những yếu tố tạo ra tăng trưởng bền vững của GTNfoods?
Cuối năm 2017, GTNfoods đã chủ động cắt giảm gần 70% đàn nái, đẩy mạnh thanh lý đàn lợn và dừng nhiều hoạt động kinh doanh không cốt lõi, ghi nhận khoản lỗ gần 20 tỷ đồng. Chè tồn kho còn lại từ giai đoạn trước cổ phần hóa đều đã được trích lập đầy đủ trong Quý IV. Cũng trong Quý 4/2017, Công ty tiến hành đẩy mạnh việc trích lập dự phòng cho các tài sản không cốt lõi và có định hướng thoái vốn, tái cơ cấu và cắt giảm nhân sự làm phát sinh thêm chi phí.
Nói như vậy để bạn thấy là, tất cả các yếu tố không hiệu quả gây chi phí của GTN đã được giải quyết trong năm 2017 với mục tiêu không gây ảnh hưởng đến kết quả SXKD năm 2018.
Một yếu tố nữa giúp GTNfoods tăng trưởng bền vững đó là hoạt động thoái vốn tại các khoản đầu tư và các tài sản không cốt lõi. Trong vòng 03 năm tái cấu trúc (2018 – 2020), GTNfoods sẽ bán dần các khoản đầu tư này và đem lại 400 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn. Trong năm 2018, trong trường hợp việc tái cấu trúc tài sản được đẩy nhanh trong năm 2018, EPS có thể đạt được tới mức 1000 VNĐ trên cổ phiếu, tỷ lệ P/E của GTN được chấp nhận ở khoảng 25-30.
Ông có thể chia sẻ những mục tiêu chủ đạo mà GTNfoods sẽ thực hiện trong năm 2018 này?
Trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính, đã được Hội đồng Quản trị thông qua như: tăng sở hữu tại Mộc Châu Milk; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tăng năng lực sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên; thoái vốn tại các khoản đầu tư, các tài sản không nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của cổ đông, đồng thời sử dụng nguồn tiền thu được nhằm tái đầu tư vào các mảng kinh doanh cốt lõi.
Quay lại với giá cổ phiếu GTN. Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư trong bối cảnh giá cổ phiếu như hiện tại?
Một lần nữa, tôi xin khẳng định mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần GTNfoods vẫn diễn ra ổn định, việc thay đổi giá cổ phiếu trong thời gian qua hoàn toàn tác động bởi yếu tố khách quan.
Tôi khuyên nhà đầu tư hãy nhìn nhận chính xác những gì doanh nghiệp đã làm được trong những năm qua và kế hoạch đi tiếp trong thời gian tới để hành động đúng đắn. Giá cổ phiếu GTN trong thời gian qua giảm sâu cũng là cơ hội tốt của công ty để tái cấu trúc cơ cấu cổ đông, và cũng là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp thực phẩm sạch, với chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín và bền vững.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với nhà đầu tư. Chúc GTNfoods năm mới đạt được nhiều thành tựu mới.