Sáng 4/6, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ "Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Quảng Nam cần quy hoạch rõ ràng để phát triển kinh tế - xã hội
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những góp ý cho quy hoạch địa phương trong thời gian tới là cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Nam. Đặc biệt là đề cập đến những ưu, nhược điểm và tìm thêm các phương án, đề xuất những đột phá mới để địa phương thực hiện.
"Quảng Nam là tỉnh thuộc "Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung", nằm lân cận các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn là Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), nằm trên các tuyến giao thông chính và các tuyến quốc lộ thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây nên có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển. Dự kiến đến cuối năm 2022 Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng đồ án quy hoạch hoàn chỉnh", ông Lê Trí Thanh thông tin.
Thời gian qua, kinh tế Quảng Nam đã tăng trưởng nhanh, cao hơn bình quân cả nước và nhiều tỉnh trong vùng. Hiện, quy mô nền kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh/thành phố lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Trong đó, tính riêng năng suất lao động ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 3,86%/năm (cả nước 2,4%/năm), chủ yếu các ngành sử dụng nhiều công nghệ và vốn. Quy mô và cơ cấu kinh tế địa phương đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường, thu hút các dự án đầu tư.
Theo quy hoạch, mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều bất lợi về sự liên kết phát triển. Vì vậy, địa phương cần đổi mới cơ chế, chính sách để duy trì, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục tạo sức hút lớn các nhà đầu tư... Quảng Nam cần thêm nữa các quy hoạch rõ ràng để đưa kinh tế - xã hội phát triển cùng với các địa phương lớn trên cả nước.
Hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ "Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Ảnh: Thành Vân.
Giải bài toán logistics sẽ hình thành vùng sản xuất ôtô
PGS.TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, tỉnh Quảng Nam cần tận dụng các lợi thế đến từ cơ sở đất, ngành công nghiệp và du lịch để định hướng quy hoạch phát triển. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Quảng Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng công nghệ 4.0, chưa khai thác được nhiều lĩnh vực kinh tế đô thị nên việc triển khai các phương án chưa được đồng bộ.
"Trong tương lai, tỉnh Quảng Nam cần tập trung vào 4 trụ cột chính là du lịch - công nghiệp, thương mại - logictics và nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tận dụng các hiệp định FTA triệt để và hướng đến ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao một cách rõ nét", ông Lưu Đức Cường đề xuất.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải góp ý tại hội thảo. Ảnh: Thành Vân.
Góp ý quy hoạch, TS. Trần Ngọc Anh cho rằng, tỉnh Quảng Nam cần thể hiện vai trò lãnh đạo trong công tác chỉ đạo và thực thi. Hiện nay, tỉnh cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, có tầm nhìn; song song với đó là đội ngũ kế cận. Đặc biệt, phải nêu cao vài trò của hệ thống hành chính, quản trị thực thi trong công tác.
"Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cần tập trung quy hoạch phát triển hai cụm kinh tế đó là cụm du lịch Hội An và cụm công nghiệp Chu Lai. Vì vậy, tỉnh cần làm việc với các doanh nghiệp để mở rộng và nâng cấp việc kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt là mời những doanh nghiệp đầu ngành tham gia vào phát triển các ngành kinh tế chủ chốt", ông Anh cho hay.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho hay, khi THACO đầu tư ở Quảng Nam, việc đầu tiên khi sản xuất ở đây là đầu tư logistics, cảng biển và xây dựng cảng biển đón tàu 50.000 tấn. Vì vậy, khi giải quyết được bài toán logistics, Quảng Nam sẽ trở thành một vùng sản xuất và hình thành vùng sản xuất ôtô.
Theo ông Dương, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ lĩnh vực logictics để phát triển kinh tế chung. Đặc biệt, việc Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư cảng Chu Lai theo hình thức PPP chính là một ưu thế lớn mà ít địa phương có được. Dự kiến dự án đi vào hoạt động sẽ giúp cho các doanh nghiệp ở Quảng Nam và khu vực lân cận tiết kiệm rất nhiều chi phí logistics.
"Quảng Nam cũng cần có thêm ngành công nghiệp chế biến sâu nông nghiệp. Từ việc phát triển đồng bộ công nghiệp với logictics, Quảng Nam sẽ trở thành vùng sản xuất của khu vực, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với địa phương, góp phần vào việc đưa kinh tế địa phương phát triển ngang tâm với các thành phố lớn trên cả nước và khu vực", ông Dương nói.