Cuối năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đã trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh: IT)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn chăm lo cho người nghèo
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho biết:
“Năm 1960, anh Sáu Khải (tên gọi thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) đi học Đại học Kinh tế ở Liên Xô, một năm sau tôi cũng vào học trường đại học này. Chúng tôi cùng sinh hoạt với nhau. Khi tốt nghiệp ra trường, tôi về nước làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, còn anh Sáu Khải trở về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Đến năm 1989, anh Sáu Khải làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước rồi làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó được bầu làm Thủ tướng khóa đầu (năm 1997). Thời kỳ anh Sáu Khải còn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tôi giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Thời gian sau đó, anh được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, còn tôi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Phan Văn Khải sinh năm 1933, quê Củ Chi, TP.HCM. Ông có 2 nhiệm kỳ là Thủ tướng Chính phủ. Vào tháng 2.2018, ông lâm trọng bệnh và phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM điều trị tích cực. |
Sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng, tôi chuyển sang làm Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chính sách kinh tế, xã hội và hành chính (khi anh Sáu Khải giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2). Lúc anh Sáu Khải nghỉ hưu, thời gian ngắn sau tôi cũng nghỉ.
Điều ấn tượng về anh Sáu Khải, tôi thấy có rất nhiều, nhưng điều khá nổi bật đó là sự nhất quán chăm lo cho người nghèo, cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ai đề xuất cái gì liên quan đến hỗ trợ người nghèo thì anh đều nghe theo và luôn tìm cách nào làm cho tốt nhất có thể.
Chương trình xóa đói, giảm nghèo được ra đời khi anh Sáu Khải còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kinh tế, đó là vào năm 1993. Chương trình này được thực hiện rất bài bản, chúng ta nhờ tổ chức của nước ngoài nghiên cứu giúp, qua khảo sát ở 3 tỉnh thuộc Bắc - Trung - Nam, để xác định tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là bao nhiêu theo tiêu chí hồi bấy giờ.
Con số khảo sát đầu tiên đưa ra tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta là 58% và từ đó bắt đầu chúng ta có Chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo. Từ đó cho đến nay, Chương trình quốc gia này không ngừng bổ sung một số chương trình, quyết định cụ thể, thiết thực nhằm đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu đó. Đó là Chương trình xóa đói giảm nghèo đề ra năm 1993, những năm sau còn có Chương trình 135 giúp các huyện khó khăn, Quyết định 35 xây dựng trung tâm cụm xã vùng núi, Quyết định 132 khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, Chương trình 143 hỗ trợ đồng bào dân tộc có nhà ở, đất ở… Một chương trình được tồn tại, được dân đồng tình, ủng hộ nhiều năm như vậy chứng tỏ đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống.
Tôi muốn nhắc lại lần nữa rằng anh Sáu Khải không phải là người đề xuất Chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng đã ủng hộ sáng kiến đó, đồng thời tổ chức thực hiện một cách quyết liệt. Việc này anh Sáu Khải không nói ra, báo chí cũng ít viết, bởi anh không muốn nói ra việc mình đã làm. Đó là tính cách của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn gần gũi người dân. (Ảnh: IT)
Chương trình nữa mà anh Sáu Khải cũng tổ chức không kém phần quyết liệt để chăm lo cho người nghèo, đó Chương trình đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương. Lúc đó đi khảo sát, anh Sáu Khải thấy bức xúc nhất là đường giao thông ở nông thôn quá kém, nhiều vùng thậm chí không có đường đến mức rau, củ, quả của bà con nông dân sản xuất ra cách trung tâm tiêu thụ chỉ khoảng 5-10km nhưng không biết bán cho ai.
Vấn đề phát triển giao thông nông thôn không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà điều rất quan trọng là giúp cho bà con đưa sản phẩm nông nghiệp đi tiêu thụ. Cũng qua khảo sát, anh Sáu Khải phát hiện một tình hình không bình thường là hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng quá kém, dẫn đến hệ thống thủy lợi nói chung rất kém hiệu quả
Thời điểm đó đang là thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực (từ năm 1998 cho đến gần năm 2000), xi măng và sắt thép ở trong nước làm ra không tiêu thụ được. Trong khó khăn đó, anh Sáu Khải nhìn ra cơ hội để vượt khó. Đây là cơ sở để xuất hiện chương trình giúp cho người nông dân. Anh Sáu Khải quyết định hình thành Chương trình đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương. Chương trình này cũng được thực hiện theo phương cách Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhà nước chỉ đầu tư những gì mà người nông dân không có, chẳng hạn như Nhà nước đầu tư sắt, thép, xi măng, người nông dân đầu tư đất, công lao động. Anh Sáu Khải còn chủ trương, việc xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương để cho người dân tự quản.
Tôi biết có nhiều địa phương, khi thi công đường, tối đến Hội Cựu chiến binh cử ra trông xi măng, sắt thép, đến sáng hôm sau giao lại cho đơn vị thi công cho nên không bị mất mát một tí vật liệu xây dựng nào. Trong thi công, mọi thứ liên quan đến xây dựng đều được giám sát tối đa, do đó không có chuyện lãng phí, làm xong phải phá bỏ đi làm lại. Nhờ đó chúng ta có được hệ thống đường giao thông nông thôn, cùng với đầu tư của Nhà nước sau đó giao thông nông thôn ngày càng hiện đại như ngày nay.
Đề ra mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp
Ấn tượng nữa của tôi về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là sự nhất quán, quyết liệt trong việc chuyển nền kinh tế từ đơn thành phần sở hữu sang đa thành phần sở hữu. Đây là vấn đề cốt lõi, bao trùm nhất trong đổi mới kinh ở nước ta. Vì vậy, đây cũng là vấn đề đấu tranh dai dẳng, gay gắt nhất giữa các quan điểm “mới”, “cũ” trong mấy chục năm rồi. Vấn đề lớn nhất ở đây là vấn đề tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho doanh nghiệp tư nhân được hình thành và phát triển.
Do đó, trong 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, dấu ấn đậm nét nhất của anh Sáu Khải là đã quyết liệt chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tư nhân ở nước ta. Ngay đầu nhiệm kỳ Thủ tướng, anh Sáu Khải đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 Việt Nam phải có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân. Đó là áp lực lớn nhất phải cho sự ra đời Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực 1.1.2000. Đây là một trong những đột phá rất lớn về đổi mới thể chế, về thay đổi cung cách điều hành phát triển đất nước.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005. (Ảnh: IT)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có vai trò nổi bật trong việc ra đời và triển khai Luật Doanh nghiệp năm 1999. Anh tự mình nêu hoặc ủng hộ nhiệt tình các tư tưởng mới của Luật Doanh nghiệp, chẳng hạn nêu công thức “người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm” thay cho công thức “người dân chỉ có thể làm những gì Nhà nước cho phép” đã tồn tại một thời gian rất dài trước đó. Hoặc “Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được hoặc không muốn làm”…
Thông qua được các quan điểm mới như vậy đã khó, nhưng việc đưa nó vào cuộc sống còn khó hơn gấp bội, bởi lẽ đây thực chất là giảm bớt, thậm chí cắt bỏ quyền của người này, người khác trong hệ thống chính trị của chúng ta, nhất là một khi “quyền” gắn với “lợi” và cái “lợi” riêng lẻ của từng người được liên kết lại thành nhóm thì việc xóa, giảm quyền đó còn khó gấp trăm lần.
Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 được Quốc hội thông qua, anh Sáu Khải trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thi hành luật, từ việc ban hành các văn hướng dẫn nhanh nhất, sớm nhất có thể, đến việc thành lập Tổ công tác thi hành luật này... Đây có lẽ là điều khá đặc biệt mang dấu ấn Phan Văn Khải”.
Ông Trần Xuân Giá nói: "Tôi và anh Sáu Khải làm việc bên nhau và liên lạc hàng ngày với nhau là từ năm 1990 cho đến khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu cho đến năm 2016, anh Sáu Khải mỗi năm vài lần gặp gỡ ba anh em họ “Trần” chúng tôi là Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên và Trần Xuân Giá để trao đổi với nhau về tình hình và dự báo tương lai phát triển của đất nước". |