Nhiều vấn đề liên quan đến Bamboo Airways được lãnh đạo tập đoàn FLC giải đáp tại Hội thảo "Phát triển hàng không – Chắp cánh du lịch Việt Nam" do Tạp chí Diễn đàn Đầu tư tổ chức chiều 26/7.
Tin tưởng thành công 100%
CEO của Bamboo Airways, ông Đặng Tất Thắng, bên lề hội thảo, không giấu diếm sự tin tưởng vào thành công của công ty. Nói với Trí Thức Trẻ, ông khẳng định: "Tôi tự tin 100%".
Liệt kê các mốc thời gian, ông Thắng cho biết: ngày 30/7, website của Bamboo Airways chính thức hoàn thiện, ngày 2/9 vé chính thức được bán và ngày 10/10, 10 máy bay của hãng sẽ bắt đầu cất cánh...
Mọi công việc, ông Thắng nói rằng tất cả đã được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng chờ cất cánh.
Nói về tiến trình xin giấy phép có phần ngược, tức triển khai trước, giấy phép sau, ông Thắng cho biết Bamboo Airways làm giống như FLC khi đầu tư vào bất động sản và gọi đó chỉ là "bước chuẩn bị".
"Tinh thần đợi tuần tự cho có mọi thứ thì sẽ bị động. Như triển khai bất động sản, có nhiều dự án làm công tác chuẩn bị trước khi có thủ tục cần thiết", ông Thắng nói.
Theo đó, vị CEO này bày tỏ chiến lược đã đúng đắn khi đến ngày 9/7, chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã được phê duyệt.
Theo quyết định phê duyệt, dự án này có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư.
Về con số 700 tỷ đồng tiền vốn, theo Forbes Việt Nam, FLC chưa bao giờ có số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt con số 700 tỷ đồng trước đó. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch FLC cho biết số 700 tỷ này sẽ được thể hiện ở báo cáo tài chính FLC quý II/2018.
Bên cạnh đó, với dự tính vận hành 20 máy báy trong năm nay (tính cả thuê) với các tuyến bay trong nước và quốc tế, theo luật hàng không dân dụng Việt Nam, vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Nghĩa là Bamboo Airways, dù có 700 tỷ trong ngân hàng, vẫn thiếu vốn.
Trả lời Trí Thức Trẻ, CEO Đặng Tất Thắng cho biết hãng đã hoàn thiện phần tiền 700 tỷ với ngân hàng NCB. "Chúng tôi đã có chứng nhận từ NCB. Bamboo Airways đã làm việc với Cục hàng không để đảm bảo đúng hồ sơ được cấp phép", ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho biết vốn lưu động cho vận hành hãng hàng không đã được FLC chuẩn bị đầy đủ. "Bamboo Airways đã sẵn sàng các bài toán về tài chính để vận hành", ông nhấn mạnh.
Hàng không Tre Việt theo ông Thắng sẽ là chuyến bay với chất lượng 5 sao với giá cạnh tranh. Chiến lược xuyên suốt của hãng được ông chia sẻ là "sản phẩm đúng với giá trị của nó, dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao ngay từ đầu cho khách hàng".
Tâm đắc "song sinh" du lịch - hàng không
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cũng nói thêm về quy trình chuẩn bị của Bamboo Airways.
Thứ nhất, đối với việc mua máy bay của FLC, tháng 3/2018, tập đoàn đã mua 24 máy bay Airbus. Đến tháng 6/2018, tập đoàn tiếp tục mua 20 máy bay Boeing 787 – máy bay đường dài để bay chặng châu Âu và Mỹ.
Ông Quyết cho biết FLC đã ký thoả thuận với 2 hãng hàng không và đã thanh toán tiền. Theo ông, việc bàn giao sớm nhất, nếu không thay đổi, sẽ là tháng 1/2020 đối với Airbus và có thể giao sớm hơn nếu điều kiện cho phép.
"Chúng tôi đã chuẩn bị 4 năm cho sự ra đời này và 2 năm gần đây quyết liệt cả về nhân sự, tài chính", ông Trịnh Văn Quyết nói.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, theo ông Quyết, là lời đáp cho câu hỏi tập đoàn có mạo hiểm hay không. Ông cho biết đến năm 2019 -2020, FLC có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng.
"Với sự chuẩn bị hạ tầng du lịch thì tôi rất tâm đắc "song sinh" du lịch - hàng không. Bamboo Airways có đường hướng riêng để phát triển. Trước đây đã chuẩn bị hạ tầng du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng mang lại hiệu quả cho hãng khác hàng không khác. Không có lý do để FLC không hiệu quả", ông nói.
Theo đó, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không thành công thì khẳng định hãng khác cũng không thể thành công".