Trong chia sẻ mới nhất với báo Thanh Niên, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bất ngờ cho hay tập đoàn này đang lên kế hoạch mua một đội bóng giải ngoại hạng Anh như một cách quảng bá cho thương hiệu Bamboo Airways.
Quá trình xem xét, tiếp xúc để đặt vấn đề với mục tiêu cụ thể là sở hữu đa số cổ phần của một câu lạc bộ thuộc đấu trường cao nhất nước Anh qua vài kênh liên lạc đã được tập đoàn này xúc tiến những bước đầu tiên.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bất ngờ lên kế hoạch mua một đội bóng giải ngoại hạng Anh.
Tuyên bố của ông chủ FLC thu hút sự chú ý của cả giới doanh nhân, doanh nghiệp và những người làm bóng đá.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, việc một doanh nghiệp Việt có ý định mua cổ phần của một đội bóng nước Anh không phải chưa từng xảy ra nhưng vướng quy định về Luật đầu tư ra nước ngoài khi đó. Ngoài ra, tiềm lực tài chính cũng là vấn đề được đặt câu hỏi khi giá của một đội bóng ngoại hạng Anh luôn ở mức cao, khoảng 160 triệu USD trở lên.
Từ mối duyên của bầu Đức và bầu Hiển
Ý định mua 20% cổ phần Arsenal năm 2008 của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện khi giá cổ phiếu của công ty này lên chóng mặt "tiền về nhiều quá không biết làm gì", trong khi định giá của Arsenal chỉ là 600 triệu USD.
Tuy nhiên, bầu Đức cũng thừa nhận các quy định về luật khi ấy không cho phép doanh nghiệp được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nên thương vụ giá trị khoảng 120 triệu USD của ông không thành.
Hiện theo bảng xếp hạng những câu lạc bộ bóng đá giá trị nhất thế giới năm 2021, Arsenal được định giá khoảng 2,8 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần so với cách đây 13 năm.
Đoàn Nguyên Đức không thành công trong thương vụ mua Arsenal.
Sau bầu Đức, đến lượt bầu Hiển khiến người ta phải ghi nhớ khi chi 2 triệu USD để mời thành công Manchester City sang Việt Nam thi đấu giao hữu năm 2015.
Dù Bầu Hiển luôn nhấn mạnh, việc đưa Manchester City sang sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển, nhưng trong giới kinh doanh, tất cả đều biết kế hoạch mời Manchester City của bầu Hiển thực chất là vụ PR tốn kém.
Ngay sau đó, giống như hàng loạt các ngân hàng hợp tác với đội bóng tên tuổi nước ngoài, cầu thủ nổi tiếng hoặc cựu danh thủ để phát hành thẻ đồng thương hiệu, nhằm mở rộng thị trường, SHB của bầu Hiển cũng không phải là một ngoại lệ.
Bầu Hiển vinh dự là người đầu tiên được nhận cúp Ngoại hạng Anh từ CLB Manchester City. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội là đối tác chính thức duy nhất của Manchester City tại khu vực Đông Dương. Ảnh: Anh Dũng
Điều trùng hợp là thời điểm năm 2015 khi Manchester City sang Việt Nam cũng là giai đoạn mà Tập đoàn FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết có những đầu tư lớn cho bóng đá Thanh Hoá ở sân chơi V.League với số tiền tài trợ mỗi năm hơn 100 tỷ đồng.
Vì nhiều lý do khác nhau, FLC đã trả câu lạc bộ Thanh Hóa về cho tỉnh sau khi mùa giải 2018 kết thúc, chấm dứt 4 năm gắn bó. Sau này, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết chỉ còn tham gia các hoạt động bóng đá trong vai trò nhà tài trợ.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết cần bao nhiêu tiền để sở hữu một đội bóng Ngoại hạng Anh?
Trong danh sách 20 câu lạc bộ bóng đá giá trị nhất thế giới năm 2021, giải ngoại hạng Anh đóng góp 9 cái tên, gồm Manchester United, Liverpool, Manchester City, Chelsea, Arsenal, Tottenham Hotspur, Eveton, West Ham United, Leicester City.
Trong số này, thu nhập hoạt động của Manchester City, West Ham United, Leicester City đều âm, nhưng giá trị của các đội bóng vẫn dao động từ 445 triệu USD đến 4 tỷ USD, cùng doanh thu tối thiểu chạm ngưỡng 175 triệu USD.
Các câu lạc bộ bóng đá là những thực thể pháp lý riêng biệt, với cơ cấu tổ chức và sở hữu khác nhau, đăng ký dưới dạng công ty (nhà nước hoặc tư nhân) hoặc tổ chức thể thao phi lợi nhuận do nhiều thành viên sở hữu (quyền sở hữu của người hâm mộ).
Với mô hình sở hữu của người hâm mộ, đội bóng sẽ không có ông chủ duy nhất, do đó, mọi quyết định điều hành chỉ được đưa ra khi đã thống nhất bởi hội đồng quản trị, mà ở đây có sự xuất hiện của đại diện nhóm người hâm mộ cùng các cổ đông.
Riêng với hình thức công ty, ban điều hành thường là cổ đông, và nếu đội bóng đã niêm yết trên sàn chứng khoán (trường hợp của Manchester United) thì việc mua bán sẽ dựa trên giao dịch cổ phiếu tại sàn.
Các đội bóng thuộc giải đấu cao nhất nước Anh thường là đích ngắm của nhiều tỷ phú thế giới, do khả năng kiếm tiền và quyền lực mềm (chỉ tên tuổi thương hiệu) của các câu lạc bộ này rất tốt. Bằng chứng là trong số 20 câu lạc bộ đang thi đấu ở Premier League, chỉ có 6 đội còn thuộc sở hữu của Anh.
Sheffield United là đội bóng nước Anh được chuyển nhượng với giá chỉ 1,33 USD.
Giá của một đội bóng đôi khi không phụ thuộc vào doanh thu hay lợi nhuận mà đội bóng đó tạo ra trong một năm, mà còn chịu ảnh hưởng bởi các khoản nợ vay và nợ đầu tư lũy kế trong nhiều năm. Điều này lý giải vì sao nước Anh từng có đội bóng được chuyển nhượng với giá chỉ 1,33 USD, đó là Sheffield United – đội tân binh ở mùa 2020-2021 và không trụ hạng thành công.
Một số thương vụ khác về mua bán các câu lạc bộ tại Premier League ghi nhận các mức giá khá mềm. Ví như Vichai Srivaddhanaprabha mua đội bóng cựu vương Leicester City vào năm 2010 với giá 42 triệu USD, Bầy Sói vào tay Fosun với giá 60 triệu USD, Everton đổi chủ bằng hợp đồng 110 triệu USD và mới nhất là là cách Newcastle United thuộc về tay Mike Ashley với 180 triệu USD.
Vậy FLC có cách nào để mua lại một đội bóng thuộc Premier League?
Cách rẻ nhất để FLC có thể là chủ sở hữu một câu lạc bộ như vậy là trở thành cổ đông của công ty sở hữu đội bóng thay vì mua đứt toàn bộ, như cách bầu Đức dự định làm. Nếu không, ông Quyết có thể lặp lại kỳ tích như thương vụ của Sheffield United nếu không sở hữu số vốn đủ lớn để có thể tính toán tới việc đặt bút vào bất cứ hợp đồng nào.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2021 của FLC, tập đoàn này đang có 33.105 tỷ đồng tài sản (tương ứng khoảng 1,4 tỷ USD), trong đó riêng nợ là 1 tỷ USD. Doanh thu luỹ kế chỉ gần 5.700 tỷ đồng (gần 250 triệu USD), và lợi nhuận chỉ 110 tỷ đồng (chưa đầy 5 triệu USD).