Trong bài đăng trên LinkedIn vào hôm thứ Năm, nhà sáng lập của quỹ đầu cơ Bridgewater Associates cho biết mức nợ cao và những cách thực hiện không hiệu quả của các ngân hàng trung ương là hai trong số những yếu tố chính cần theo dõi. Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây thêm căng thẳng cho bối cảnh hiện tại, khi một cường quốc với nhiều tiềm lực tranh đấu với một quốc gia mới nổi.
Ông viết: "Nếu/khi suy thoái kinh tế diễn ra, thì điều đó sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng từ hậu quả của 3 yếu tố trên và sẽ tương tự với những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1930."
Bài đăng này có sự kết nối với cảnh báo trước đó mà ông đã đưa ra về "chuyển đổi hệ thuyết" (paradigm shift - là sự thay đổi lớn xảy ra khi cách suy nghĩ hay cách làm thông thường được thay thế bằng một cách mới và khác biệt). Ở bài viết về "paradigm shift", ông nói rằng vàng sẽ đóng vai trò quan trọng là một "hàng rào" lợi nhuận khi các nhà đầu tư đang đối mặt với quá nhiều rủi ro trên thị trường.
Trong bài luận gần đây nhất, ông còn nói về việc các nhân hàng trung ương đang buộc phải giữ mức lãi suất thấp như thế nào và "in tiền để mua tài sản tài chính" nhằm thúc đẩy thị trường và gây ra tình trạng thâm hụt tài khoá rất lớn. Ông cho rằng "có những lực lượng giảm phát mạnh mẽ" tồn tại trên thị trường khi khả năng sản xuất tăng mạnh.
"Những 'lực lượng' này đang tạo ra nhu cầu về các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, điều đang buộc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất xuống mức thấp đến như vậy. Và điều này sẽ gây ra tình trạng thâm hụt cực kỳ lớn, nguyên nhân đến từ tiền tệ. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra 'thảm hoạ' bùng nổ trái phiếu vào những năm 1980 - 1982, theo đó giá vàng cũng tăng vọt."
Bởi vậy, ông cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ sớm "cạn kiện" những biện pháp để ngăn chặn hoặc đẩy lùi suy thoái kinh tế khi thế giới bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ nợ dài hạn. Ông viết: "Lãi suất ở mức thấp đến mức việc hạ thêm nữa để kích thích tăng trưởng sẽ không có hiệu quả."
Ở bài đăng, ông đưa ra sự so sánh giữa tình hình của nền kinh tế toàn cầu hiện nay và những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1930. Dù không nhận định 2 trường hợp hoàn toàn giống nhau, nhưng ông cũng đưa ra luận điểm cho thấy rằng lịch sử đang lặp lại.
Dalio viết: "Hãy hiểu rằng tôi không nói rằng quá khứ có sự tương đồng với hiện tại. Điều tôi đang nói là các mối quan hệ nguyên nhân/hệ quả là tương tự nhau:
a) chúng ta đang tiếp cận đến giai đoạn kết thúc của chu kỳ nợ ngắn hạn và dài hạn;
b) chính trị trong nước đang được thúc đẩy bởi khoảng cách lớn của giàu nghèo và chính trị, điều này đang tạo ra xung đột nội bộ giữa người giàu và người nghèo, các nhà tư bản và xã hội chủ nghĩa;
c) xung đột chính trị bên ngoài được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của một cường quốc mới nổi và thách thức quyền lực của thế giới hiện tại, dẫn đến sự thay đổi của trật tự thế giới."
Ông nhận định: "Có rất nhiều điều phải nghiên cứu bằng cách hiểu về cơ chế của những gì đã xảy ra sau đó để hiểu được những gì đang diễn ra. Bạn cũng nên có kiến thức về cách vận hành của "chuyển đổi hệ thuyết" và làm cách nào để đa dạng hơn nhằm bảo vệ chính mình trước điều đó."