Ngành gia vị đòi hỏi đức tính kiên nhẫn, giàu vốn sống
Trải qua 8 tập phát sóng Cơ hội cho ai mùa 3, Sếp Nguyễn Trung Dũng – CEO Dh Foods gây ấn tượng bởi tính cách điềm đạm nhưng không kém phần quyết đoán. Xuyên suốt chương trình, vị Sếp nhiều lần gây bất ngờ bởi những cú tung chiêu ngoạn mục, khi thì đưa mức lương khủng, khi thì chia sẻ về chế độ đãi ngộ vô cùng hấp dẫn để chiêu mộ bằng được ứng viên mà ông cho là phù hợp với văn hóa công ty. Đặc biệt là màn chiêu mộ thành công ứng viên Đoàn Kim Loan - cô gái giàu nghị lực chiến thắng bệnh tật, với mức lương 37 triệu đồng.
Nói về ứng viên đặc biệt này, Sếp Dũng chia sẻ: "Đối với Kim Loan, cũng như các Sếp khác tôi rất cảm động với câu chuyện của bạn. Một cô bé nhỏ nhắn nhưng lại có nghị lực phi thường, chiến thắng bệnh tật, tập môn võ khó. Ngày trước tôi cũng tập võ, cả năm mới lên được đai nâu, bạn Loan hiện là đai đen 3 đẳng, như vậy là nghị lực rất tốt.
Bên cạnh đó, Dh Foods có kế hoạch về việc chuyển đổi số, tôi cần một bạn giỏi về Business Analyst để phụ trách thì đây chính là chuyên môn của Loan. Đặc biệt, sứ mệnh mà Dh Foods rất tự hào là mang gia vị đặc sản vùng miền Việt Nam ra thế giới cũng trùng với sứ mệnh của Loan, vậy tôi nghĩ Loan và Dh Foods sẽ vô cùng tâm đầu ý hợp.
Ngoại trừ việc trở thành Trợ lý CEO, Kim Loan còn kiêm nhiệm vị trí Trưởng nhóm Chuyển đổi số của Dh Foods. Tôi nghĩ mảng công việc này là thế mạnh và cũng là công việc mà Loan yêu thích. Việc chuyển đổi số là cả một quá trình, có thể kéo dài 1 năm, 2 năm, người tiêu dùng hiện nay đang tiêu dùng trên nền tảng online và cách phân phối, tiêu thụ nông sản, gia vị đã thay đổi rất nhiều, những người trẻ năng động hơn bằng việc ứng dụng online để bán hàng - đặc biệt là sau thời gian đợt dịch lần thứ 4. Đó là một cơ hội cho các doanh nghiệp! Chuyển đổi số cũng đã là con đường tất yếu hiện nay mà doanh nghiệp bắt buộc phải đi, đặc biệt trong ngành gia vị, thực phẩm, nông sản".
Cũng theo Sếp Dũng, trong công việc, những bạn có nghị lực sẽ làm được nhiều điều tuyệt vời. Ngoài ra, ở một nhân viên, ông thích đức tính trung thực, chăm chỉ và thông minh, có những điều ấy, sẽ dạy được họ và giúp họ tiến xa hơn.
Ví dụ Thanh Tiến cũng là một chàng trai nghị lực, kỷ luật, ngoài ra bạn cũng là một người hoạt ngôn, có kinh nghiệm trong mảng kinh doanh. Với khả năng thích khi tốt của một vận động viên, dù chuyển ngành sang mảng Food nhưng ông tin Tiến sẽ nhanh chóng hòa nhập.
Sếp Dh Foods cũng cho biết, giữa thái độ và trình độ, chắc chắn thái độ sẽ được ưu tiên. Đương nhiên nhân viên cần đủ trình độ để tiếp thu kiến thức và đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc. Thế nhưng, nếu nhân viên có thái độ chưa tốt thì đó là người không phù hợp với văn hóa công ty. Do đó, Sếp Dũng chỉ sẽ chọn những ứng viên phù hợp với văn hóa do chính ông tạo dựng.
Lần đầu tham gia show Cơ hội cho ai, Sếp Dũng cũng có những sự hồi hộp nhất định. Tuy vậy, phong cách của "Ông trùm gia vị" khá ngắn gọn, súc tích, không dài dòng. Đối với những ứng viên mà qua màn thể hiện của họ, nếu ông thấy được khả năng và sự phù hợp thì sẽ bấm đèn xanh ngay từ đầu mà không cần thử thách thêm. Vị Sếp tiết lộ rằng chính điều đó phần nào sẽ tạo được chỗ dựa tinh thần cho ứng viên khi các bạn đứng trên sân khấu và phải đối mặt với 6 Sếp với rất nhiều áp lực.
Sếp Dũng và ứng viên Kim Loan trong tập 7 Cơ hội cho ai
"Tôi muốn nhân viên đi làm vừa phải thu nhập tốt và có đủ niềm vui"
Nói về việc chịu chi nhất trong chương trình, Sếp Dũng cho biết, mong muốn của ông là nhân viên đi làm phải vừa có thu nhập tốt vừa có nhiều niềm vui. Trong những năm đầu tiên khởi nghiệp, công ty còn nghèo thì Sếp Dũng sẽ trao quyền, chia sẻ cổ phần và trao cho nhân viên những gì tốt nhất có thể trong khả năng của ông.
"Lúc đó tôi luôn nói với các bạn là bây giờ cổ phần anh tặng các em chưa có giá trị, nhưng vài bữa nó sẽ có. Hơn nữa, công ty sẽ tốt dần lên trong tương lai, nên các em đừng quá lo lắng. Hiện tại, Dh Foods đã có thương hiệu trong tuyển dụng cũng như tài chính tương đối dồi dào, nên có thể chưa trả được mức lương ngang với các công ty đầu ngành, song cũng khá cạnh tranh trên thương trường. Mức lương tôi offer trên chương trình chính là mức lương thực tế cho vị trí tương đương tại công ty hiện nay", Sếp Dũng chia sẻ.
Dẫn dắt một Starup mới nổi trên thị trường nên Sếp Dũng cũng không quá đặt nặng về chuyên môn khi tuyển chọn ứng viên. Theo vị Sếp Dh Foods, đối với Startup, đặc biệt những Startup sản xuất, những năm đầu sẽ khá chật vật vì nguồn lực không nhiều, thị trường còn nhỏ, khách hàng còn ít, nếu cố tuyển người có đủ 3 phẩm chất là tốt, thông minh, chuyên môn giỏi thì khó thể đủ tiền trả lương cho họ. Thay vào đó ông sẽ tìm những "viên ngọc thô" về mài, vừa phục vụ mục tiêu kinh doanh tức thời, vừa gây dựng nguồn nhân sự chất lượng cho tương lai.
"Với Dh Foods, những năm đầu tôi tuyển những người trẻ chưa có kinh nghiệm nhưng có đạo đức tốt, thông minh và ham học hỏi. Tôi chấp nhận trao quyền và theo sát, cầm tay chỉ việc. Còn đối với tập đoàn lớn thì với tiếng tăm và nguồn lực cho phép họ tuyển dụng theo chiến lược mà doanh nghiệp muốn, có thể là tuyển những nhân sự giỏi, có kinh nghiệm vào làm việc được ngay hoặc tạo ra những chương trình "Quản trị viên tập sự" nhằm chọn được những ứng viên mới ra trường có tiềm năng", Sếp Dũng tiết lộ.
Ngoài ra, ông cũng có lời khuyên cho các bạn trẻ là nên chọn môi trường có thể cho họ cơ hội học hỏi, trải nghiệm nhiều nhất có thể, mà các Startup thường là môi trường như thế. Có thể các công ty Startup chưa có sự chuyên nghiệp, quy trình chuẩn hay sự phân chia phòng ban rạch ròi, lương khủng… nhưng những giá trị mà họ có được là những lần "trầy vi tróc vảy" với công việc sẽ giúp ích rất nhiều. Và biết đâu sau này, chính họ sẽ là người tạo lập nên những cái gọi là "quy trình chuyên nghiệp" của công ty.
Đích đến mỗi người là khác nhau. Không có mẫu số chung nào cả!
Chia sẻ về việc để khởi nghiệp thành công, thì bạn trẻ nên bắt đầu với việc làm sếp của người tí hon hay lính của gã khổng lồ, Sếp Dũng cho rằng: "Bản thân tôi, trong thời gian sinh sống và làm việc ở Châu Âu 30 năm, tôi chưa bao giờ đi làm thuê mà khởi nghiệp 3 lần. Sau khi về Việt Nam vào tầm cuối năm 2009, tôi có đi làm cho một công ty lớn về thực phẩm ở TP.HCM, đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi đi làm thuê. Sau 2 năm thì tôi xin nghỉ và khởi nghiệp ở tuổi 50, xây dựng công ty theo ý của tôi. Nhưng tôi cũng biết có nhiều bạn bắt đầu bằng việc đi làm thuê, sau đó khởi nghiệp và thành công. Nên không có mẫu số chung nào cả!
Ngoài ra, về việc "về đích nhanh", lúc tôi còn trẻ, tôi muốn phát triển công ty thật nhanh, tôi làm việc rất nhiều, tôi chạy và thúc đẩy mọi người phải chạy theo tôi và đúng là công ty tăng trưởng và đạt được các mục tiêu ngắn hạn tốt. Tuy nhiên sau vài năm chính tôi cũng cảm thấy cạn kiệt năng lượng, không còn niềm vui, hứng thú nữa, nên tôi đã nhượng lại công ty. Khi khởi nghiệp tuổi 50 với Dh Foods, tôi thấy không có nhu cầu làm nhanh nữa mà muốn làm thật tốt với nhưng mục tiêu dài hạn hơn rất nhiều, và quan trọng mỗi ngày đi làm tôi đều thấy rất vui, tôi cũng lan tỏa niềm vui đó cho các bạn làm việc cùng tôi. Nên dù bạn muốn đi nhanh hay đi chậm, quan trọng là giữ được niềm vui và nhiệt huyết ban đầu", Sếp Dũng nói thêm.
Bên cạnh đó, vị Sếp Cơ hội cho ai cũng đánh giá rất cao tính nhân văn, giá trị xã hội mà chương trình mang lại. Trong chương trình, là một người Sếp ngồi xuyên suốt 13 tập, ông được lắng nghe rất nhiều câu chuyện khác nhau. Có những bạn tham gia ngoài việc tìm kiếm việc làm cho bản thân, còn truyền cảm hứng cho cộng đồng của tôi như trường hợp của bạn Trọng Hoàng (Tập 2). Có những bạn, việc xuất hiện trên truyền hình là hoàn thành tâm nguyện của một người thân đã khuất (bạn Thanh Trúc - Tập 2). Bạn Thanh Tiến chọn về với Dh Foods cũng là bước ngoặt trong đời khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn, chuyển sang hẳn một ngành mới với nhiều thử thách. Hay Kim Loan cũng thế, ngoài cơ hội việc làm, bạn đã chia sẻ được câu chuyện của tôi và nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ từ các Sếp khác trong hành trình chống chọi với bệnh tật. Do đó, Sếp Dũng cho biết nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ tham gia tiếp Mùa 4.