HĐQT CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) ngày 28/2 thông qua triển khai chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, Saigontel dự kiến phát hành hơn 74 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1;1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Nếu phát hành thành công Saigontel sẽ tăng vốn điều lệ gấp đôi lên gần 1.500 tỷ đồng.
Theo Saigontel, số vốn huy động nhằm tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính cho công ty. SGT hiện có giá hơn 30.000 đồng/cp và vốn hóa là gần 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 1.500 tỷ đồng so với 6 tháng trước.
Saigontel là thành viên thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) của đại gia từng giàu nhất Việt Nam một thời: Đặng Thành Tâm. Doanh nhân này là ông trùm bất động sản công nghiệp với một doanh nghiệp nổi tiếng trên sàn là Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).
Tập đoàn của ông Đặng Thành Tâm đầu tư xây dựng nhiều khu công nghiệp lớn trên phạm vi toàn quốc như: khu công nghiệp đô thị dịch vụ Tràng Duệ - Hải Phòng hơn 1000ha; Quang Châu (Bắc Giang), Quế Võ (Bắc Ninh 600ha)… Trong đó, riêng Tràng Duệ - Hải Phòng thu hút Tập toàn LG và các công ty vệ tinh đầu tư công nghệ cao lên đến 10 tỷ USD.
SaigonTel tăng vốn. |
Thông tin mới đây cho thấy, Saigontel của ông Đặng Thành Tâm bắt tay cùng VinaCapital và đối tác Aurous Capital của Singapore triển khai tổ hợp công nghiệp - đô thị 2,5 tỷ USD tại Bắc Giang trên diện tích 700ha.
Saigontel là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nhưng trầy trật trong cả thập kỷ qua và gần như không còn phát triển mảng này khi mạng di động của DN này đóng cửa và đang chuyển sang mảng bất động công nghiệp và đô thị.
Saigontel cũng từng là công cụ của ông Đặng Thành Tâm đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản công nghiệp và là bộ 3 cổ phiếu cùng với KBC, Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (SQC) giúp ông Tâm trở thành người giàu nhất trên sàn năm 2007.
Năm 2014 Saigontel đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc vì lỗ năm thứ 3 liên tiếp. Doanh nghiệp này cũng vướng những sai phạm về công bố thông tin. SaigonTel cũng từng nhiều lần thông qua kế hoạch hủy niêm yết trong những năm 2011-2013.
Các doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm, trong đó có SaigonTel cũng vướng vào những vụ vay nợ lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại 2 ngân hàng mà ông Tâm khi đó có sở hữu cổ phần lớn: Ngân hàng Navibank (nay đổi thành Quốc Dân) và WesternBank (sau sáp nhập vào Pvcombank).
Sau cú sốc “muốn tự tử”, đại gia Đặng Thành Tâm dồn tổng lực vào bất động sản, đón dòng vốn quốc tế vào công xưởng mới của thế giới |
Trên thực tế, SaigonTel cũng đã đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp từ cả thập kỷ trước. SaigonTel từng phát hành cho WesternBank 300 tỷ đồng trái phiếu không có đảm bảo bằng tài sản với thời hạn 5 năm để huy động vốn tài trợ cho dự án Cụm công nghiệp Nam Sông Hồng.
Từ những năm 2012, SaigonTel đã vay cả trăm tỷ tại Westernbank để phát triển KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn (tại Bắc Ninh) giai đoạn 1.
Gần đây, Saigontel của ông Tâm tăng tốc đầu tư cơ sở vất chất KCN Quang Châu (426ha) và hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng đến từ Nhật, Hàn, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc…
Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn hiện đang phát triển khoảng hơn 30 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trên toàn quốc.
Bất động sản công nghiệp ở Việt Nam có triển vọng sáng sủa. Việt Nam gần đây được xem là điểm đến mới của các nhà đầu tư quốc tế sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018 và gần đây là cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, một cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây.
Cổ phiếu tăng ngắn hạn, dòng tiến khá lớn
Theo VDSC, chứng khoán Việt Nam đã có chuyển biến tích cực hơn trong phiên 3/3. Tuy nhiên, điểm trừ là thanh khoản chưa thật sự nổi trội, cho thấy dòng tiền chỉ đang có những động thái thăm dò. Hơn nữa, khả năng điều chỉnh ở những nhóm ngành đã tăng nóng thời gian qua là những rủi ro đáng được xem xét đối với vị thế nắm giữ cổ phiếu. Dù vậy, với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, dự kiến VN-Index sẽ có nhịp tăng ngắn hạn và kiểm tra lại vùng cản 1.515 điểm.
Theo BSC, thị trường đang giao dịch biên độ khá rộng, nhà đầu tư nên cẩn trọng trong những phiên tới. Trong ngắn hạn, VN-Index có khả năng tích lũy quanh ngưỡng 1.500.
Chốt phiên giao dịch 3/3, chỉ số VN-Index tăng 19,48 điểm lên 1.505,00 điểm. HNX-Index tăng 7,06 điểm len 449,31 điểm. Upcom-Index tăng 1,39 điểm lên 113,19 điểm. Thanh khoản đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 30,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà