Bất chấp các cuộc đàm phán diễn ra liên tiếp, Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc kể từ ngày 1/9/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều gặp khó
Trên Twitter ngày 1/8, ông Trump nêu rõ: "Đàm phán thương mại đang tiếp tục, và trong lúc đàm phán Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và các sản phẩm từ Trung Quốc vào đất nước chúng ta từ ngày 1/9. Điều này không bao gồm 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đã chịu mức thuế 25%".
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nhà đàm phán Mỹ - Trung kết thúc hai ngày làm việc tại Thượng Hải với rất ít tín hiệu tích cực. Một vòng đàm phán khác đã được lên kế hoạch vào tháng 9.
Ông Trump chỉ trích Trung Quốc vì đã không mua thêm các sản phẩm nông nghiệp Mỹ như đã hứa và đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn việc bán thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện fentatyl sang Mỹ.
"Chúng tôi nghĩ rằng đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc ba tháng trước, nhưng thật đáng buồn, Trung Quốc quyết định đàm phán lại thỏa thuận ngay trước khi ký kết", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những lần đánh thuế "ăn miếng trả miếng" đã khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều gặp khó khăn, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tài chính sôi động. Sau cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật cuối tháng 6, lãnh đạo Mỹ - Trung thống nhất "đình chiến" để nối lại đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bước vào cuộc gặp song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Mỹ cảnh báo khi ông tái đắc cử, thỏa thuận Trung Quốc đạt được sẽ khó khăn hơn nhiều, hoặc sẽ không có thỏa thuận nào nữa. |
Ông Trump kỳ vọng việc tăng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ đưa việc làm quay trở lại nước Mỹ, nhưng mọi việc có thể trái với mong muốn của ông.
Có thể là một tính toán sai lầm?
Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Giả sử Mỹ đánh thuế với tất cả hàng hóa Trung Quốc đúng như lời Tổng thống Donald Trump đe dọa, ảnh hưởng đối với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp kết hợp với phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính sẽ khiến GDP của Mỹ giảm hơn 0,9%, trong khi mức giảm của Trung Quốc là 1,6%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định nếu Trump hướng tới mục tiêu đưa việc làm trở về nước Mỹ bằng các đòn áp thuế với Trung Quốc, đó có thể là một tính toán sai lầm bởi nó không thể giúp ông đạt được mục đích đề ra.
Việc Mỹ đánh thuế hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đồng nghĩa chi phí sẽ gia tăng. Trước áp lực đó, các nhà sản xuất Mỹ ở Trung Quốc sẽ tìm cách rời Trung Quốc tới những nơi mới, chẳng hạn như Ấn Độ, Bangladesh hay Mexico, thay vì quay về nước Mỹ.
Cho tới tận khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc tuần qua bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thương mại mới tại Thượng Hải sau thời gian dài trì hoãn, ngành sản xuất Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Trong khi đó, hàng rào thuế quan giúp đẩy các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc để tới những khu vực khác ở châu Á, nó không phát huy hiệu quả trong việc tạo ra thêm việc làm tại Mỹ, giới phân tích đánh giá.
Các doanh nghiệp đang lo lắng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không ngừng gia tăng, nhiều công ty Mỹ đã chuyển hoặc đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, quyết định áp thuế mới của ông Trump có thể khiến căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang và tạo ra một "cuộc chiến" mới.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Không như các lần tăng thuế trước, quyết định áp thuế mới nhất lên hàng hóa của Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump cho là sẽ tác động trực tiếp người tiêu dùng Mỹ bởi mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, như máy sấy tóc, giầy đế mềm, tivi màn hình phẳng, trang phục của cô dâu hay các loại trang phục trong các dịp đặc biệt khác...
Các nhà đầu tư lo ngại giá bán lẻ tăng có thể đe dọa đến chi tiêu tiêu dùng của Mỹ, động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế, và bất ổn thương mại sẽ khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng 2/2019 của Văn phòng Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ, việc ông Trump áp thuế lên máy giặt nhập khẩu đã khiến giá bán tăng 12% so với tháng 1/2018, thời điểm trước khi thuế có hiệu lực.
Còn theo một nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế Peterson, thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu đã làm giá các sản phẩm thép tăng gần 9% trong năm ngoái, khiến người sử dụng thép phải trả thêm 5,6 tỷ USD.
Nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York, Đại học Princeton và Đại học Columbia cho thấy, các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 3 tỷ USD tiền thuế mỗi tháng do chính sách thuế của Tổng thống Trump./.