Khi phiên điều trần tại ngoại của bà Mạch tại Canada hôm 11/12 chưa có kết quả, Tổng thống Trump nói với Reuters rằng ông có thể sẽ can thiệp vào vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei nếu điều đó có lợi cho các thỏa thuận của Mỹ với Trung Quốc.
"Tôi sẽ làm bất cứ điều gì mang lại lợi ích cho Mỹ. Nếu điều đó có lợi cho những gì chắc chắn trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay, một điều hết sức quan trọng và tốt cho an ninh quốc gia. Tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu cho rằng điều đó là cần thiết", nhà lãnh đạo Mỹ nói, tiết lộ thêm rằng ông đã nói chuyện với Bộ Tư pháp và các quan chức Mỹ về trường hợp của bà Mạch.
Tuyên bố có thể can thiệp vào vụ bắt giữ CFO Huawei của Tổng thống Trump bị giới chức Mỹ đồng loạt phản đối. (Ảnh: CNN)
Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Mỹ vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các quan chức thực thi pháp luật, các nhà lập pháp và cả những nhà phân tích kinh doanh và pháp lý. Họ cho rằng đây không chỉ là động thái có thể tạo ra nhiều xích mích với các đồng minh, làm ảnh hưởng tới các vụ điều tra và dẫn độ cấp quốc tế trong tương lai, mà còn là một tiền lệ “độc hại” có thể làm sự yếu sự an toàn của người Mỹ ở nước ngoài.
“Mỹ giống như Canada đều là những quốc gia dựa trên Hiến pháp, thượng tôn nguyên tắc pháp lý và luật pháp. Tổng thống Trump về cơ bản nói rằng ông có thể can thiệp vào vụ việc, đó là một tiền lệ khủng khiếp”, William Reinsch, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, chỉ ra rằng lời tuyên bố của ông Trump đã vi phạm nguyên lý cơ bản của Mỹ.
Ông Reinsch cho rằng nếu Tổng thống Trump khăng khăng làm theo ý mình, ông đã tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa Washington và Ottawa.
“Bà Mạch không thuộc quyền tài phán của Mỹ mà là của Canada. Can thiệp vào quá trình này có nghĩa là ông ấy sẽ nói chuyện với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người đã hơn một nhấn mạnh rằng các thủ tục tư pháp liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạch vẫn sẽ diễn ra bình thường", cựu Thứ trưởng Thương mại Mỹ cho hay.
Theo nhà phân tích pháp lý của CNN Michael Zeldin, một hậu quả khôn lường có thể xảy đến là một công dân Mỹ ở nước ngoài có thể bị bắt làm con tin để mặc cả về các vấn đề thương mại, kinh tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland mới đây cũng kêu gọi Washington không chính trị hóa vụ việc. Khi được hỏi về phát biểu mới của Tổng thống Trump, bà khẳng định Canada vẫn luôn tuân theo với pháp luật và không chịu trách nhiệm về hành vi của các quốc gia khác.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 12/12, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers khẳng định nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là thực thi pháp luật, theo dõi sự thật, minh oan/chứng thực cho các hành vi vi phạm luật pháp Mỹ.
“Đó là những gì chúng tôi làm khi chúng tôi đưa ra các trường hợp đó. Các quốc gia khác hiểu rằng chúng tôi không phải là một công cụ thương mại khi chúng tôi đưa ra các vụ kiện”, ông Demers nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal tới từ đảng Dân chủ tin rằng tuyên bố của Tổng thống Trump là hết sức nguy hiểm vì nó khiến việc thực thi pháp luật giống công cụ của thương mại hoặc chính trị hoặc ngoại giao.
“Điều đó đúng ở các quốc gia khác nhưng không phải ở Mỹ”, ông Blumenthal cho hay, nói thêm rằng tuyên bố của Tổng thống đã phần nào đó bóp méo hình ảnh của Mỹ về mặt thực thi pháp luật.
Theo ông Reinsch, người Trung Quốc sẽ coi vụ bắt giữ là một âm mưu của Mỹ để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại, một âm mưu làm Trung Quốc phải rối bời. Điều đó có thể là thật có thể là không nhưng tuyên bố của Tổng thống Trump càng củng cố niềm tin đó của người Trung Quốc.
“Nó sẽ như một lời xác nhận cho những gì mà họ đang nghĩ rằng chúng ta không phải là một quốc gia pháp quyền. Khi đó họ sẽ nghĩ chúng ta giống họ trong khi chúng ta không hề như vậy”, ông này kết luận.
(Nguồn: CNN)