Báo cáo kiểm toán của Tập đoàn FPT hé lộ mức lương khủng của dàn lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam.
Năm 2020 doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, Khối công nghệ đóng góp 56% với 16.805 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2019. Khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.
Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng trong năm 2020 Chủ tịch Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc và ủy viên Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo nhận thù lao 0 đồng. Trong khi đó, 2 ủy viên HĐQT là ông Hamaguchi Tomokazu (nguyên Chủ tịch kiêm CEO của NTT Data Corporation, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ thông tin Nhật Bản) và ông Dan E Khoo (Chủ tịch danh dự Liên minh Công nghệ thông tin Thế Giới WITSA) nhận thù lao 2,326 tỷ đồng/năm, tương đương 193,8 triệu đồng/tháng.
Thù lao thành viên Ban kiểm soát của FPT, trưởng ban Nguyễn Việt Thắng nhận 588 triệu đồng/năm, tương đương 49 triệu đồng/tháng, hai thành viên BKS là ông Nguyễn Khải Hoàn và bà Nguyễn Thị Kim Anh nhận thù lao 303,6 triệu đồng/năm, tương đương 25,3 triệu đồng/tháng.
Với ban điều hành, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa nhận lương 3,52 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương 293,3 triệu đồng/tháng, Phó TGĐ Nguyễn Thế Phương nhận lương 2,75 đồng/năm, tương đương gần 230 triệu đồng/tháng, Phó TGĐ Hoàng Việt Anh nhận lương 2,2 tỷ đồng/năm tương đương 183,3 triệu đồng/tháng, Kế toán trưởng Hoàng Hữu Chiến nhận lương 1,54 tỷ đồng/năm tương đương 128,3 triệu đồng/tháng. Bà Bùi Nguyễn Phương Châu, phụ trách Quản trị và Công bố thông tin nhận lương 1,1 tỷ đồng/năm tương đương 91,66 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của dàn lãnh đạo FPT năm 2020 - Nguồn: Báo cáo kiểm toán
Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, các cá nhân có thu nhập trên 960 triệu đồng/năm phải đóng thuế suất 35%, với thu nhập của Tổng giám đốc FPT, mỗi năm ông Khoa sẽ phải đóng thuế khoảng 1,23 tỷ đồng.
Tuy nhiên thu nhập của lãnh đạo FPT không chỉ đến từ lương và thưởng, mỗi năm kể từ 2015 đến nay FPT đều phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên. Lần gần nhất là tháng 3/2020, FPT phát hành 3.391.790 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên (thị giá hiện tại của FPT là 75.900 đồng/cp). Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày phát hành. Chỉ có 138 người được phân phối số cổ phiếu này, như vậy bình quân mỗi người được mua 24.578 cổ phiếu ESOP.
Từ 2015 FPT duy trì phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)
Theo số liệu tính toán của chúng tôi, năm 2020 ông Nguyễn Văn Khoa được mua khoảng 190.700 cổ phiếu ESOP, thu nhập từ ESOP năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại khoảng 12,5 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với lương.
Giá trị cổ phiếu ban lãnh đạo FPT đang nắm giữ (giá trị cổ phiếu tính theo thị giá FPT ngày 5/3/2021 là 75.900 đồng/cp)
Theo báo cáo kiểm toán của FPT, tổng số nhân viên của tập đoàn tại ngày 31/12/2020 là 30.651 người, tại ngày 31/12/2019 là 28.781 người. Chi phí nhân công trong năm 2020 của FPT đạt 12.390 tỷ đồng, như vậy mỗi nhân viên FPT bình quân thu nhập mỗi tháng đạt 33,687 triệu đồng, tăng khoảng 13% so với bình quân năm 2019.
Năm 2020 chi phí nhân công của FPT là 12.390 tỷ đồng