Phát biểu tại lễ Phát động Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" chiều 3/9, ông Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò chủ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng kinh tế.
"Doanh nghiệp, doanh nhân là chủ thể thực thi chính sách kinh tế đồng thời cũng là nguồn cảm hứng, là chủ thể quan trọng góp ý xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế nước nhà", ông nói.
Hoạt động để cộng đồng này góp ý, xây dựng thể chế chính sách theo ông Lộc không phải là mới. Điều này đã luôn diễn ra trong 30 năm qua nhằm nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Dù vậy, với cuộc vận động lần này, ông Lộc cho rằng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt.
Ông cho biết đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới.
Cuộc vận động cũng diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, và đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đại hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam.
"Làn sóng cải cách lần thứ 2" được đặt ra nhằm xây dựng được một nền kinh tế thị trường hiện đại và đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn 2045.
"Nhiệm vụ của "làn sóng cải cách lần thứ 2" chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi trên thế giới này, có nhiều quốc gia có thể thoát nghèo nhưng rất ít quốc gia có thể trở nên giàu mạnh", ông nói.
Theo ông, đất nước sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi tình trạng chất lượng thể chế, kinh tế ở mức trung bình.
"Việt Nam đã có nhiều nỗ lực theo hướng này, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và năng suất lao động ở Việt Nam những năm qua đã có chuyển biến tích cực", ông nói. Dù vậy, ông thẳng thắn chỉ ra những tồn đọng, ví dụ như chi phí không chính thức còn lớn.
"Thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là dư địa và động lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Bởi vậy, Chủ tịch VCCI nói rằng rất hi vọng thông qua cuộc vận động này, những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi về sẽ được các cơ quan Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách để tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò bà đỡ và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế trong nước.