Harold Hamm vừa thực hiện xong một trong những cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ vào tuần trước. Ông chuyển cổ phần của mình tại Continental Resources, công ty khoan dầu đá phiến mà ông thành lập được hơn 50 năm, cho 5 người con, mỗi người khoảng 2,3 tỷ USD. Giống như những người Mỹ siêu giàu khác, món quà khổng lồ của ông Hamm dành cho các con phần lớn có thể không bị đánh thuế.
Cùng với việc chuyển nhượng, ông Hamm vẫn đảm bảo với các nhà đầu tư rằng ông vẫn giữ quyền kiểm soát Continental Resources vì 5 người con của ông không được phép bán số cổ phần này cho đến khi ông qua đời.
"Từ lâu, tôi đã tuyên bố Continental Resources là một công ty được xây dựng để tồn tại lâu dài. Quá trình chuyển nhượng cổ phần này đã diễn ra trong hơn 10 năm qua với hai mục đích chính là lập kế hoạch thừa kế phù hợp và đảm bảo tính liên tục của công ty trong dài hạn", ông Hamm cho hay.
Tỷ phú Harold Hamm. Ảnh: Bloomberg.
Ông và gia đình hiện sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 18 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Kể từ tháng 7/2020, cổ phiếu của Continental Resources đã tăng gần 250% và cũng nhờ đà tăng ngoạn mục đó, Hamm và những người thừa kế của ông ghi tên vào danh sách tỷ phú thế giới.
Hamm, con út trong một gia đình nghèo có tổng cộng 13 người con, bắt đầu bước vào ngành năng lượng ở tuổi 18. Khi đó, ông xây dựng một công ty kinh doanh dịch vụ mỏ dầu từ khoản vay 1.000 USD. 4 năm sau, Hamm thành lập công ty khoan thăm dò dầu mỏ mà sau này chính là Continental Resources.
Cái tên Hamm bắt đầu nổi tiếng sau khi Continental Resources phát triển một cách đáng kinh ngạc. 20 năm trước, ông mua 300.000 mẫu đất ở mỏ dầu Bakken thuộc North Dakota. Khu vực này có sản lượng dầu khiêm tốn kể từ những năm 1950, song nhờ sự ra đời của công nghệ khoan ngang và fracking, đây trở thành bang sản xuất dầu lớn thứ 3 nước Mỹ vào năm 2012.
Ông Hamm, 76 tuổi, dường như đã lợi dụng hai trong các lỗ hổng phổ biến nhất để tránh bị đánh thuế tài sản và quà tặng 40% của Mỹ khi ông chuyển giao phần lớn tài sản. Theo hồ sơ công khai, ông sử dụng một LLC và hơn 10 quỹ tín thác khác nhau để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng. Hai kỹ thuật này đều hợp pháp và "chìa khoá" nằm ở việc phải cấu trúc các giao dịch một cách cẩn thận để chúng mang lại lợi ích cho người thừa kế nhưng lại không bị tính là quà tặng về mặt kỹ thuật.
Việc chuyển nhượng ồ ạt cổ phần giữa các thành viên trong gia đình không phải là điều hiếm gặp trong giới tỷ phú.
Một cuộc điều tra của Bloomberg News năm ngoái cho thấy người sáng lập Nike Inc., Phil Knight, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để chuyển hàng tỷ USD cho gia đình mình mà không bị đánh thuế. Giám đốc điều hành của Zoom Video Communications Inc., Eric Yuan, cũng từng chuyển số cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD cho những người thụ hưởng không xác định vì lý do lập kế hoạch bất động sản vào tháng 3 năm ngoái.
Ông trùm sòng bạc quá cố Sheldon Adelson liên tục chuyển vào và rút ra cổ phiếu của Las Vegas Sands Corp. ở hơn 30 quỹ tín thác để sang tay ít nhất 7,9 tỷ USD cho các thành viên trong gia đình. Jane Lauder - cháu gái của nhà sáng lập hãng mỹ phẩm Estee Lauder, trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm vào năm 2013 khi nhận được số cổ phiếu trị giá hơn nửa tỷ USD.