Trong báo cáo mới nhất, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021 sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày, tương đương 6,6% so với năm 2020. Con số đó cao hơn 70.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra cách đây một tháng.
OPEC cũng nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 từ 5,1% lên 5,4%, với giả định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ "được kiềm chế phần lớn" vào nửa cuối năm nay.
OPEC cho biết: "Sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, được hỗ trợ đáng kể bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có", và "Sự phục hồi đang nghiêng nhiều về nửa cuối năm 2021."
Trong báo cáo của mình, OPEC viết: "Do tốc độ lây lan và cường độ của đại dịch Covid-19 sẽ giảm dần khi các chương trình tiêm chủng tiếp tục được triển khai, các yêu cầu về giãn cách xã hội và hạn chế đi lại có thể được thu hẹp dần, giúp cho việc di chuyển tăng lên".
Mặc dù OPEC cho biết các nước sản xuất dầu ngoài OPEC đang thúc đầy nguồn cung, song tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng sản lượng dầu của các nước ngoài nhóm năm 2021 ổn định ở gần 1 triệu thùng/ngày, và cho rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ - thường tăng khi giá tăng - sẽ giảm trong năm 2021.
Năm 2020, OPEC + đã cắt giảm nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày để hỗ trợ thị trường dầu mỏ khi nhu cầu suy giảm vì đại dịch. Hầu hết mức cắt giảm đó vẫn được giữ nguyên, kể cả sau quyết định vào ngày 1/4. OPEC+ sẽ họp lần tiếp theo vào ngày 28/4.
Việc OPEC lần này điều chỉnh tăng dự báo về nhu cầu đánh dấu sự thay đổi ngược hẳn đánh giá bi quan của những báo cáo liền trước. Trong báo cáo tháng 3, OPEC đã hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu do các nước khi đó tăng cường phong tỏa.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: "Việc OPEC điều chỉnh tăng dự đoán về nhu cầu dầu là điều thị trường đang chờ đợi, bởi thị trường trong thời gian gần đây rơi vào tâm trạng lo lắng về tác động của đại dịch Covid-19 đối với nhu cầu dầu" - điều khiến cho giá cả 2 loại dầu Brent và WTI đều dao động dưới 1% mỗi phiên suốt 5 phiên liên tiếp, điều được Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago lý giải là do: "Chúng tôi đang giao dịch trong một phạm vi giá nhất định và cần biết thêm các thông tin cho thấy triển vọng rõ ràng hơn về nhu cầu, cũng như biết rõ hơn về lượng dầu tồn trữ của Mỹ để thoát ra khỏi biên độ dao động hẹp như hiện nay".
Giá dầu đang vững đà tăng
Giá dầu thô thế giới đã tăng sau khi OPEC công bố báo cáo mới nhất. Kết thúc phiên 13/4, dầu Brent trên sàn London tăng 39 US cent (0,6%) lên 63,67 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 48 US cent (0,8%) lên 60,18 USD/thùng.
Xu hướng giá dầu tăng kéo dài từ phiên 9/4 đến nay vẫn đang tiếp diễn. Sáng nay 14/4, giá dầu Brent tiếp tục tăng thêm 85 US cent (1,3%) lên 64,52 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng tiếp 85 US cent (1,3% lên 64,52 USD/thùng.
Giá dầu WTI
Dữ liệu từ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Theo đó, Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/4, nhiều hơn mức dự đoán của các nhà phân tích qua cuộc khảo sát của Reuters là giảm khoảng 2,9 triệu thùng.
Thị trường cũng đang lạc quan về những số liệu kinh tế phát đi từ Mỹ và Trung Quốc.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu của Rystad Energy cho biết: "Giá dầu tăng do tiến bộ của các chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ. Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ cho 22% dân số, theo công cụ theo dõi tình hình tiêm chủng của Reuters.
Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đã tăng với tốc độ mạnh mẽ, bổ sung động lực hồi phục kinh tế cho quốc gia này và chứng tỏ nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên trong bối cảnh việc tiêm chủng vắc xin có nhiều tiến triển. Nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm. Trong đó, riêng nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã tăng 21% trong tháng 3/2021, từ mức thấp nhất 1 năm ở tháng 2/2021, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động.
Giá dầu trong 2 phiên vừa qua cũng được hỗ trợ tăng bởi phong trào Houthi của Yemen liên kết với Iran cho biết họ đã bắn 17 máy bay không người lái và hai tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu của Saudi Arabia, trong đó có các nhà máy lọc dầu Saudi Aramco ở Jubail và Jeddah, nằm về phía Tây Saudi Arabia.
Đồng USD yếu đi cũng tạo lực đẩy cho mặt hàng dầu mỏ. Hiện USD đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Còn nhiều trở ngại trên con đường hồi phục giá dầu
Đầu tháng 3 năm nay, giá dầu đã về lại mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, là trên 70 USD/thùng, do dự đoán kinh tế thế giới hồi phục và sau khi OPEC+ quyết định tiếp tục hạn chế nguồn cung.
Tuy nhiên, sau đó giá dầu đã quay đầu giảm dần sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trong ngắn hạn. Cho đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, sau Châu Âu đến Châu Á, nhất là ở Ấn Độ và mọt số nước Châu Á khác. Ấn Độ hiện chiếm 1/6 số ca nhiễm Covoid-19 mới mỗi ngày, trong khi số ca nhiễm ở các nước Châu Á khác cũng gia tăng.
Việc Mỹ ngày 13/4 tạm dừng tiêm vắc-xin Covid-19 một mũi do hãng Johnson & Johnson (J&J) sản xuất càng làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19 đến sự hồi phục nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ.
Stephen Brennock, nhà môi giới dầu mỏ của PVM, cho biết: "Mặc dù có nhiều lý do để lạc quan, song các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn khi dịch bệnh gia tăng ở châu Âu, Ấn Độ và một số thị trường mới nổi, trong khi việc triển khai vắc-xin chậm hơn so với dự kiến."
Ấn Độ hiện chiếm 1/6 số ca nhiễm Covoid-19 mới mỗi ngày, trong khi số ca n hiễm ở các nước Châu Á khác cũng gia tăng.
Nhu cầu dầu của châu Á vẫn yếu và một số khách hàng đã giảm lượng dầu mua trong tháng 5 tới, một phần do các nhà máy lọc dầu trong kỳ bảo dưỡng và giá dầu gần đây tăng cao.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết về nguồn cung, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng tháng thứ ba liên tiếp với mức tăng khoảng 13.000 thùng/ngày trong tháng Năm lên 7,61 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu mỏ thế giới sẽ tăng sau khi Iran - nước được miễn trừ việc tự nguyện cắt giảm dầu mỏ do chịu sự trừng phạt của Mỹ - đã tăng cường sản xuất dầu trong tháng 3, khiến sản lượng của OPEC tăng 200.000 thùng/ngày lên 25,04 triệu thùng/ngày trong tháng này.
Tham khảo: Refinitiv