Cụ thể, OPEC+ hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu khoảng 300.000 thùng/ngày.
Việc hạ dự báo về triển vọng nhu cầu ngay trước thềm cuộc họp diễn ra vào ngày hôm nay 1/4 cho thấy OPEC+ có thể sẽ đưa ra quyết định về sản lượng sắp tới phù hợp với dự báo này.
Ủy ban Kỹ thuật liên minh của OPEC+ (The Joint Technical Committee - JTC), cơ quan tư vấn cho nhóm các quốc gia sản xuất dầu, bao gồm Saudi Arabia và Nga, ngày 31/3 đã có cuộc họp trước khi diễn ra cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ diễn ra trong ngày hôm nay để quyết định về chính sách sản lượng của nhóm.
Theo báo cáo của JTC do Reuters đưa ra: "Bất chấp việc các kho dự trữ dầu mỏ thương mại của OECD liên tục rút bớt dầu thô ra, song lượng tồn kho dầu thô của OECD vẫn ở trên mức trung bình của những năm 2015 - 2019, và những biến động về cấu trúc thị trường cho thấy các điều kiện thị trường vẫn còn rất mong manh".
OPEC+ dự báo về cán cân cung - cầu dầu mỏ
Theo kịch bản khả thi nhất, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay dự báo sẽ tăng 5,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước đây.
Dự báo về nguồn cung dầu mỏ toàn cầu được điều chỉnh tăng thêm 200.000 thùng/ngày, lên 1,6 triệu thùng/ngày.
Kết quả là tồn trữ dầu của các nước công nghiệp đến tháng 8 sẽ giảm xuống dưới mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2019, muộn hơn 1 tháng so với dự báo trước đây.
Dự báo về tồn trữ dầu mỏ thương phẩm của OECD
Tại cuộc họp cấp cao OPEC+ (MMMC) diễn ra ngày hôm qua 31/3, Tổng thư ký OPEC cũng cảnh báo phải hết sức thận trọng.
Ông Mohammad Barkindo nói: "Chúng ta hãy nhớ rằng môi trường vẫn còn nhiều thách thức, phức tạp và không chắc chắn. Sự biến động của thị trường mà chúng ta đã chứng kiến trong hai tuần cuối tháng Ba là một lời nhắc nhở về sự mong manh mà các nền kinh tế và nhu cầu dầu mỏ phải đối mặt".
OPEC + hiện đang cắt giảm sản lượng hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ giá và giảm bớt lượng dư cung. Ngoài ra, Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết, Saudi Arabia sẵn sàng tăng lượng cắt giảm sản lượng dầu cũng như kéo dài thời gian cắt giảm của mình.
JMMC ngày hôm qua không chính thức đưa ra khuyến nghị nào. Các quyết định về sản lượng, bao gồm việc nếu tăng thì sẽ tăng bao nhiêu, sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày hôm nay.
Một số nguồn tin cho biết, một số thành viên OPEC đã bày tỏ sự thất vọng khi Nga và Kazakhstan - không thuộc OPEC - đã yêu cầu được tăng sản lượng thêm một chút trong tháng thứ 3 liên tiếp, mặc dù vẫn ủng hộ việc cắt giảm chung trong cả nhóm.
Ngân hàng JPMorgan trong một thông báo mới đây đã bày tỏ sự tin tưởng rằng OPEC+ sẽ thận trọng ghi chú nghiên cứu cho biết họ tin rằng OPEC + sẽ thận trọng kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tới tháng 5, và Saudi Arabia sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm bổ sung đến tháng 6.
"Chúng tôi dự đoán liên minh sẽ bắt đầu nâng dần sản lượng với mức thêm 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 8", thông báo của JPMorgan viết.
Giá dầu thế giới hôm nay 1/4 theo giờ Việt Nam đã tăng trở lại giữa lúc OPEC+ nhóm họp. Trưa nay, dầu Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 71 US cent (1,1%) lên 63,45 USD/thùng, sau khi giảm 2,2% ở phiên liền trước. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trưa nay cugnx tăng 71 US cent (1,2%) lên 59,87 USD/thùng, sau khi 2,3% phiên 31/3.
Các nhà đầu tư nhìn chung dự đoán OPEC+ sẽ giữ nguyên mức sản lượng như hiện nay. Eurasia Group cho rằng: "Kết quả khả dĩ nhất của cuộc họp là … không có sự thay đổi đáng kể nào về sản lượng", và "Sự thận trọng thể hiện ở các cuộc thảo luận sớm của OPEC+ cho thấy các quyết định thay đổi sẽ được trì hoãn tới cuộc họp tháng 5".
Đại dịch Covid-19 đang tái bùng phát ở nhiều nơi. Việc dịch bệnh nguy hiểm kéo dài đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu lớn nhất trong vòng một thế kỷ, dẫn tới nhu cầu nhiên liệu sụt giảm. Quá trình hồi phục đã liên tục bị đứt quãng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 31/3 đã quyết định đóng cửa nước Pháp trở lại lần thứ 3, cho biết các trường học sẽ đóng cửa trong vòng 3 tuần vì Covid-19 tái bùng phát có nguy cơ tràn vào các bệnh viện.
Dịch bệnh đã xóa đi toàn bộ mức tăng giá dầu mỏ của 2 tuần đầu tháng 3, mặc dù sản lượng dầu thế giới không tăng đột biến.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 3 so với tháng 2, do nguồn cung từ Iran tăng dù các thành viên khác trong liên minh vẫn tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản lượng. Nếu duy trì, sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran sẽ là một trở ngại đối với nỗ lực hỗ trợ giá dầu của OPEC+.
Tuy nhiên, các số liệu chính thức cho thấy sản lượng dầu thô Mỹ đã giảm trong tháng 1, xuống 11,08 triệu thùng/ngày, so với 11,101 triệu thùng/ngày của tháng 12.
Báo cáo từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tuần qua tăng mạnh hơn dự báo. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra vào ngày 1/4.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg