OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn, đến năm 2027, tăng thêm 2 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Đến năm 2030, OPEC dự báo nhu cầu thế giới sẽ đạt trung bình 108,3 triệu thùng/ngày và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 109,8 triệu thùng/ngày từ mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Quan điểm của OPEC trong Báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2023 trái ngược với quan điểm của các nhà dự báo khác khi cho rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm dần từ sự gia tăng của năng lượng tái tạo và ô tô điện.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais lại đưa ra nhận định, thế giới vẫn cần dầu mỏ bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt, năm 2023, khi đại dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng đột biến. “OPEC vẫn lạc quan về triển vọng trong dài hạn, vì rằng dầu mỏ vẫn là nhiên liệu hàng đầu trong số những nguồn năng lượng cơ bản trên toàn cầu” - ông Al Ghais nói.
Báo cáo ngày 30/1 của OPEC đưa ra phân tích, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu 2021-2022 do hậu quả của đại dịch Covid-19, phần lớn thế giới phải đối mặt với sự lên xuống thất thường của giá dầu, khí đốt và thị trường điện. Tuy nhiên, phản ứng của các chính phủ là cục bộ và nhìn chung là không hiệu quả. OPEC dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol dự báo, rằng, thế giới đang ở giữa "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu” chứ chưa thể thoát ra.
Nếu như tháng 12/2022, giá dầu thô trung bình 90 USD/thùng thì quý 1/2023 được dự báo sẽ là 100 USD/thùng. OPEC cho biết, nhóm này “sẵn sàng can thiệp bất cứ khi nào cần thiết và một ủy ban cấp bộ có ảnh hưởng sẽ họp lại vào tháng 2/2023” để đưa ra các chính sách mới.
Đại diện OPEC cho biết, cùng với OPEC+, họ sẽ nhóm họp bất thường khi giá dầu lên mức 110 USD/thùng, nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt.