OPEC đang đối mặt với việc mất thêm thị phần vào đầu năm 2024 sau khi Angola rời bỏ tổ chức này. Nhu cầu suy yếu, sản lượng tăng của các nhà sản xuất ngoài OPEC là những nguyên nhân khác, theo Reuters.
Theo Reuters, sản lượng của OPEC có thể giảm xuống dưới 27 triệu thùng/ngày nếu không có Angola, chiếm chưa đến 27% trong tổng nguồn cung dầu toàn cầu (khoảng 102 triệu thùng/ngày). Lần cuối cùng tổ chức này chứng kiến mức thị phần xuống mức đó là thời đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, khi nhu cầu dầu toàn cầu giảm gần 20%.
Đầu tháng 12, Angola chính thức tuyên bố rời khỏi OPEC vì những bất đồng liên quan đến hạn ngạch sản xuất dầu. Sản lượng dầu thô của Angola đạt 1,15 triệu thùng/ngày trong tháng 11, giảm mạnh so với mức 1,88 triệu thùng/ngày hồi năm 2017 – thời điểm 1 năm sau khi nước này gia nhập OPEC .
Theo Reuters, OPEC cố gắng duy trì thị phần ở mức 30-40%. Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến kỷ lục của Mỹ đã khiến mức thị phần của OPEC giảm sâu. Sản lượng dầu của Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 13,1 triệu thùng/ngày trong nă nay, chủ yếu do các hiệu quả khoan và nỗ lực tăng năng suất để kìm chế giá dầu của Mỹ.
OPEC tin rằng việc sụt giảm sản lượng chỉ là tạm thời. Tổ chức này dự đoán thị phần toàn cầu của họ sẽ đạt 40% vào năm 2045, phần lớn do sản lượng các nước ngoài OPEC có thể giảm từ đầu những năm 2030.
OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn 6 triệu thùng/ngày so với báo cáo năm ngoái – chủ yếu do nhu cầu tăng từ Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông.
Ấn Độ được cho sẽ thay thế Trung Quốc trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu nhờ dân số tăng nhanh. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của quốc gia này dự kiến chậm hơn nhiều so với Trung Quốc.