Bất chấp thông tin đó, giá dầu vẫn quay đầu giảm lúc đóng cửa phiên 4/11, kết thúc một ngày giao dịch đầy biến động và đảo ngược xu hướng tăng lúc đầu phiên sau khi có thông tin sản lượng dầu của Saudi Arabia sẽ sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Theo đó, giá dầu thô Brent giảm 1,45 USD, tương đương 1,8% xuống 80,54 USD/thùng vào cuối phiên, mặc dù đầu phiên tăng lên 84,49 USD/thùng (khi thị trường chỉ tập trung chú ý vào cuộc họp của OPEC+ với kỳ vọng nhóm này giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng); dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên còn giảm mạnh hơn nữa, mất 2,05 USD, tương đương 2,5%, xuống 78,81 USD/thùng, lùi xa mức cao nhất trong cùng phiên, là 83,42 USD.
Kể từ khi đóng cửa hôm thứ Ba (2/11), giá dầu Brent và WTI đã giảm lần lượt khoảng 5% và 6%.
Thông tin về sản lượng dầu của Saudi Arabia được phát đi từ kênh Al Arabiya TV sau khi quốc gia này, cùng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ khác và các đồng minh (OPEC+) đồng ý tuân thủ mức tăng sản lượng đã được thống nhất trước đó.
OPEC + đã nhất trí bám sát kế hoạch, sẽ chỉ tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 12 tới, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, bởi lo ngại sẽ tái diễn một cuộc khủng hoảng thừa dầu mỏ giống như lúc đầu đại dịch.
Trong cuộc họp hôm thứ Năm, Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ vè việc tăng nguồn cung dầu nhanh hơn nữa với lý do kinh tế khó khăn.
Các kho dự trữ dầu sẽ tăng "khủng khiếp" vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do tiêu thụ chậm lại, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết hôm thứ Năm.
Tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ đều bị sụt giảm nghiêm trọng mức thu nhập trong đại dịch COVID-19 và việc nhu cầu phục hồi cùng với nền kinh tế toàn cầu cho phép họ xây dựng lại bảng cân đối kế toán của mình. Việc OPEC + hạn chế nguồn cung đã củng cố đà phục hồi của giá dầu, đẩy giá dầu thô Brent – tham chiếu cho thị trường toàn cầu - lên mức cao nhất 3 năm, là 86,70 USD.
Bob Yawger, giám đốc hợp đồng năng lượng thuộc Mizuho cho biết: "Một vị thế lớn (đầu cơ) đã tăng lên trước khi OPEC họp", song sau đó, các nhà giao dịch có xu hướng bán chốt lời (chứ không phải bán do thị trường có rủi ro cao). "Họ muốn giữ chắc lợi nhuận hơn là bị ‘đốt cháy’ bởi bất kỳ phản ứng đối ứng nào của ông Biden", ông Yawger đề cập đến việc Tổng thống Mỹ Kỳ Joe Biden thúc giục OPEC tăng sản lượng – yếu tố đã đẩy giá dầu tăng khoảng 2% lúc đầu phiên vừa qua.
Nhà Trắng hôm thứ Năm đã chỉ trích quyết định của các nhà sản xuất dầu hàng đầu nhằm giữ sản lượng dầu ổn định, nói rằng OPEC và các đồng minh dường như "không muốn" sử dụng quyền lực của họ để giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.
Song các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, Saudi Arabia và Nga, tin rằng giá dầu cao sẽ không tạo ra phản ứng nhanh từ ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, các nguồn tin từ OPEC + cho biết. Trong bối cảnh giá dầu tăng và Chính phủ Mỹ kêu gọi nâng sản lượng, các công ty Mỹ đã cam kết bảo toàn vốn và ưu tiên lợi nhuận của nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số công ty dầu mỏ lớn có kế hoạch tăng sản lượng hoặc chi tiêu từ đá phiến trong năm tới.
Nhà Trắng cho biết Washington sẽ cân nhắc sử dụng đầy đủ các công cụ để đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng.
Các nguồn tin của OPEC + cho biết Mỹ có nhiều khả năng để tự nâng sản lượng nếu họ tin rằng nền kinh tế thế giới cần thêm năng lượng. Song các nguồn tin cho biết Saudi Arabia và Nga đang ngày càng tin rằng giá dầu tăng cao sẽ không khiến ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ tăng nhanh sản lượng.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, kể từ tháng 8/2020, OPEC đã bổ sung thêm 2 triệu thùng/ngày vào nguồn cung toàn cầu và sẽ tiếp tục với kế hoạch bổ sung thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng vào cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Ông Novak cho biết: "Có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu trong tháng 10 ở Liên minh châu Âu. Nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ virus biến thể Delta", giải thích lý do tại sao OPEC + chọn phương án không bổ sung thêm thùng.
Hôm thứ Bảy (31/10), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước sản xuất năng lượng lớn của G20 có năng lực dự phòng tăng cường sản xuất để đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn. Tuyên bố của ông là một phần trong nỗ lực rộng rãi của Nhà Trắng nhằm gây áp lực buộc OPEC và các đồng minh tăng nguồn cung.
"OPEC + dường như không muốn sử dụng năng lực và sức mạnh hiện có vào thời điểm quan trọng của sự phục hồi toàn cầu đối với các quốc gia trên thế giới", phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết hôm thứ Năm.
Người phát ngôn của Mỹ nói rằng: "Tổng thống tin rằng người Mỹ nên được tiếp cận với năng lượng giá cả phải chăng, bao gồm cả các trạm xăng, và đã chỉ đạo chúng tôi tiếp tục theo dõi thị trường và sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ khi cần thiết".
Nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Mỹ, không thuộc OPEC +, đã chứng kiến sản lượng của họ giảm mạnh vào năm 2020 và sản lượng kể từ đó phục hồi chậm hơn nhiều so với dự đoán.
OPEC + sẽ họp lại vào ngày 2 tháng 12.
Tham khảo: Reuters