Bể chứa dầu tại cơ sở khai thác dầu ở Brega, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã “chọc giận” Mỹ và các quốc gia phương Tây khác với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.
Sau khi quyết định này được đưa ra, Mỹ đã cáo buộc OPEC+ và một trong những nước dẫn dắt nhóm là Saudi Arabia là đứng về phía Nga bất chấp cuộc xung đột của nước này với Ukraine.
Tuy nhiên, OPEC+ lập luận rằng nguyên nhân khiến họ cắt giảm sản lượng là bởi vì triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10/2022 giữa bối cảnh kinh tế Trung Quốc và toàn cầu tăng trưởng chậm lại và môi trường lãi suất cao hơn.
Hôm 2/12, các quốc gia G7 và Australia đã áp trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, trong một động thái nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của “xứ Bạch dương” đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu của Nga trên thị trường toàn cầu.
Nga cho biết họ sẽ không bán dầu dưới mức trần và đang tìm cách ứng phó.
Nhiều nhà phân tích và các bộ trưởng OPEC cho rằng việc áp giá trần là khó hiểu và có thể không hiệu quả vì Nga đang bán phần lớn dầu của mình cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ.