Hôm qua (30/6), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh (OPEC+), đã đồng ý bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 8, bất chấp lời kêu gọi bơm thêm dầu để hạ nhiệt giá dầu thô.
Trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn ở mức cao , động thái này của OPEC+ có thể khiến Mỹ thất vọng khi trước chuyến thăm chính thức đầu tiên tới khu vực Trung Đông, Tổng thống Mỹ Biden nhiều lần kêu gọi các nước sản xuất dầu tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu.
OPEC+ đã kết thúc cuộc họp thông qua cầu truyền hình bằng quyết định giữ nguyên chính sách sản xuất. Theo đó, Liên minh này sẽ chỉ tăng sản lượng dầu vào tháng 8 thêm 648.000 thùng/ngày mà không thảo luận về mức tăng trong tháng 9.
Các chuyên gia nhận định, bước đi này của OPEC+ nhằm giữ giá dầu ở mức cao và tiếp tục hưởng lợi. Giá dầu thế giới đã tăng vọt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ ngày 24/2. Giá dầu thô tại Mỹ hiện đã tăng 54% và giá dầu thế giới cũng đã tăng gần 40% kể từ đầu năm tới nay.
Tại cuộc họp của nhóm vào đầu tháng 6, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng dầu lên 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và 8, kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lịch sử từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. OPEC+ xác nhận cuộc họp tiếp theo của họ sẽ diễn ra vào ngày 3/8.
Với mức tăng 648.000 thùng mỗi ngày, sản lượng khai thác của OPEC+ đã dần trở lại mức 10 triệu thùng/tháng từ tháng 4/2020. Tuy nhiên với câu hỏi, liệu OPEC có tiếp tục tăng sản lượng khai thác để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu không, Giám đốc điều hành Công ty Shell - ông Ben van Beurden cho rằng, có lẽ tại thời điểm hiện tại, OPEC+ chưa đủ năng lực để tiếp tục tăng thêm sản lượng như thị trường kỳ vọng.
“Nhu cầu về khí đốt đang tăng lên, kéo theo nhu cầu về dầu khí cũng đang tăng. Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ khiến nhiều người lo ngại đối với giá dầu tại thời điểm này, nhưng năng lực dự phòng của OPEC cơ bản là hạn chế. Tất nhiên, tôi không thể biết OPEC có thể tăng sản lượng bao nhiêu, nhưng sẽ không lớn như những gì mà nhiều người kỳ vọng”, ông Ben van Beurden cho biết.
Hiện nhiều nước trong OPEC + đang rất chật vật để sản xuất đủ định mức mà tổ chức quy định. Nigeria và Angola là hai nước từ lâu không sản xuất đủ dầu theo mức đặt ra. Trong khi đó, Nga cũng hụt sản lượng do các khách hàng phương Tây không mua dầu của nước này, vì lo sợ các lệnh trừng phạt hoặc không muốn liên quan đến xung đột ở Ukraine./.