Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 14-15/4, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung.
Theo Tuyên bố chung, hai bên ký Nghị định thư với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc như ớt, chanh leo, tổ yến thô, tổ yến sạch, cám gạo. Đồng thời, Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản Việt như hoa quả có múi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật. Ngược lại, phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, xoài, chuối, yến sào , khoai lang, chôm chôm, mít, dưa hấu, măng cụt, thạch đen, nhãn, vải, chanh dây và sầu riêng, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Do đó, văn kiện này được kỳ vọng giúp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Trước đó, xuất khẩu các loại rau quả sang Trung Quốc cũng tăng mạnh nhờ hai nước cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, như Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Nghị định thư ký giữa hai nước.
Việt Nam có lợi thế lớn về địa lý khi sở hữu hơn 1.450 km đường biên giới (đường bộ và đường thủy) với nước láng giềng. Bên cạnh đó, Trung Quốc có nhiều chợ đầu mối lớn nằm sát biên giới phía Bắc, cách các vùng trồng nông sản của Việt Nam vài trăm km. Nhờ đó, chi phí logistics thấp, thời gian vận chuyển nhanh và cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Xét theo thị trường, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu nông sản Việt Nam lớn thứ hai thế giới với thị phần 17,3%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc tăng 3,6%.