Tổng giám đốc PAN Group Nguyễn Thị Trà My tối nay chia sẻ về việc HĐQT PAN Group và 7 Công ty thành viên đã đồng thuận lấy ý kiến chuyển giao dịch từ sàn HSX hiện tại ra giao dịch tại HNX. Theo bà Trà My, việc chuyển sàn này "theo lời kêu gọi hỗ trợ của Lãnh đạo ngành Chứng khoán nhằm "chống đột quỵ" cho hệ thống của HSX đang quá tải!"
Bảy công ty thành viên của PAN Group bao gồm công ty Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HoSE: NSC), Giống cây trồng Miền Nam (HoSE: SSC), Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT), Bibica (HoSE: BBC), Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco, HoSE: LAF) và Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG).
Đây chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian chờ HOSE xử lý hệ thống và sớm đi vào vận hành hệ thống core mới của Hàn Quốc.
Thông báo của bà Nguyễn Thị Trà My
"Hy vọng anh Bình FPT (ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT) nói và sẽ quyết tâm làm được để ít tháng nữa PAN, FMC, NSC, SSC, ABT, BBC, LAF và VFG của chúng tôi sớm được trở về nhà HSX ở trạng thái "bình thưởng mới" trong năm 2021", CEO Pan Group kỳ vọng. Theo bà My, việc chung tay của các thành viên lúc này nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất là cấp bách giảm tải cho hệ thống HSX.
Tổng tài sản của PAN Group tại thời điểm cuối năm 2020 đạt gần 11,380 tỷ đồng. Năm 2020, tập đoàn đạt 8,550 tỷ đồng doanh thu và gần 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên của PAN vào khoảng hơn 850.000 cổ phiếu/phiên.
Sau lời "hiệu triệu" của UBCK Nhà nước về việc sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp chuyển sàn sang HNX nhằm giảm tải cho hệ thống của HOSE, đơn vị tiên phong đánh tiếng muốn chuyển sàn "ngược" từ HSX về HNX là CTCP Chứng khoán VNDirect.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, CEO VnDirect cho rằng, vấn đề quá tải ở HOSE sẽ được giải quyết hiệu quả, nếu có đủ lớn số lượng các công ty thực hiện chuyển cổ phiếu từ HOSE sang giao dịch tạm thời ở HNX và đây là biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư trong bối cảnh giao dịch cứ đến 15.000 tỷ là bị nghẽn lệnh như hiện nay.
Sau VNDirect, Ban Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã BSI - HoSE) vừa thống nhất tham mưu cho Hội đồng quản trị Công ty để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc chuyển giao dịch cổ phiếu BSI từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đề xuất trên nhằm thuận lợi hoá môi trường giao dịch và góp phần giảm tải quy mô số lệnh giao dịch trong phiên tại HoSE.
Theo ban lãnh đạo BSC, xuất phát từ lợi ích chung của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán, giải pháp chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX là phù hợp và khả thi trong điều kiện thị trường hiện tại cho đến khi HoSE hoàn tất giải pháp công nghệ xử lý hiện tượng nghẽn lệnh tại HoSE.
Được biết, năng lực hệ thống tại sàn HNX có thể chấp nhận được 2 triệu lệnh/phiên, trong khi năng lực tại sàn HOSE tối đa là 900.000 lệnh/phiên giao dịch.
Được sự cho phép của UBCK, HNX sẽ tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX cần có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HoSE.
Bộ Tài chính bác bỏ phương án nâng lô giao dịch lên 1.000 đơn vị
Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.
HoSE đưa ra nhiều phương án nhằm giảm tải hệ thống nhưng phương án nào cũng có mặt trái khiến dư luận phản ứng dữ dội. Một trong các phương án là việc nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đơn vị/lệnh, điều này khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng họ không thể mua các cổ phiếu có thị giá lớn như RAL, VNM, MWG. Hay như phương án không cho huỷ sửa lệnh trong phiên cũng gặp nhiều ý kiến phản đối.
Chiều nay, Bộ Tài chính đã có cuộc họp với các bên nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ tình trạng nghen lệnh tại HOSE. Theo đó, Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.