Trong khi đó, các nhà chức trách đang điều tra vấn đề và tuyên bố sẽ có hành động kiên quyết đối với những người gây ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia của Indonesia (BRIN) và Đại học Brighton của Vương quốc Anh đã lấy mẫu nước biển từ năm 2017 đến năm 2018 tại bốn địa điểm tại Vịnh Jakarta. Nghiên cứu của họ cho thấy có 610 nanogram / lít (ng / l) paracetamol ở vùng Angke và 420 ng / l ở vùng Ancol.
Angke là một khu vực đông dân cư ở Jakarta với điều kiện vệ sinh kém, trong khi Ancol là khu nằm ở phía bắc thành phố.
Theo các tác giả của nghiên cứu, nghiên cứu ở những địa điểm ở Brazil và Bồ Đào Nha cho thấy các chỉ số paracetamol lần lượt chỉ là 34,6 ng / l và 51,2 ng / l.
Ngư dân ở Kali Baru, Cilincing. Ảnh: Lufty Ferdiansyah
Giáo sư Zainal Arifin, một thành viên của nhóm nghiên cứu từ BRIN, cho biết "việc tiếp xúc lâu dài với nồng độ thấp hoặc cao chất paracetamol gây suy giảm chức năng sinh sản ở động vật có vỏ".
Mặc dù nghiên cứu không chỉ ra nguồn gốc của paracetamol, các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể có bắt nguồn từ các công ty dược phẩm, hộ gia đình và thậm chí là chất thải bệnh viện.
Sau khi công bố nghiên cứu, các nhà môi trường học cũng nhấn mạnh rằng các kết quả cho thấy việc quản lý chất thải ở Indonesia chưa được thực hiện đầy đủ.
Tác động đến con người và sinh vật biển
Giáo sư Etty Riani, giảng viên về quản lý nguồn lợi thủy sản của trường đại học nông nghiệp IPB ở Bogor, cho rằng nước ở Vịnh Jakarta có thể đã bị ô nhiễm bởi chất thải của con người, từ các công ty dược phẩm hoặc xử lý nước thải không đúng cách.
Bà lưu ý rằng paracetamol thường được sử dụng khi mọi người cảm thấy nhức đầu, sốt hoặc đau. Điều này là do nó mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng và dễ dàng có sẵn trong các cửa hàng nhỏ mà không cần đơn thuốc.
Bà nói: "Ngay cả ở các làng quê, việc mua paracetamol cũng dễ dàng như mua kẹo vậy".
"Trên thực tế, paracetamol an toàn vì nó có thể được hấp thu rất nhanh giống như thức ăn và 90% đến 100% được thải ra ngoài qua nước tiểu."
Tuy nhiên, bà nói rằng khi sử dụng với liều lượng cao, nó có thể gây chết người.
Với nồng độ paracetamol 600 ng / l, chất này sẽ không gây nguy hại cho hệ sinh thái thủy sinh.
Tuy nhiên, nếu nồng độ duy trì ở nồng độ này, có thể có các tác động thứ cấp đến vi sinh vật. Các vi sinh vật đóng vai trò phân hủy và chịu trách nhiệm "tái chế" các chất dinh dưỡng.
Bà kêu gọi mọi người không nên sử dụng paracetamol tùy tiện mỗi khi họ không khỏe.
Ông Tubagus Soleh Ahmadi, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ về môi trường (NGO) Walhi Jakarta cho biết, ngoài các tác động đến hệ sinh thái, sinh kế của người dân cũng có thể gặp rủi ro.
Ông nói: "Điều này cũng sẽ gây ra gánh nặng cho các cộng đồng ven biển và ngư dân, những người có không gian sống phụ thuộc rất nhiều vào tính bền vững ở Vịnh Jakarta".
Ông Ahmadi lưu ý rằng việc đánh bắt cá của ngư dân có thể trở nên khó khăn hơn.
"Điều này làm tăng thêm gánh nặng chi phí sản xuất, chưa kể khi họ phải đối phó với thời tiết xấu".
Trong khi đó, Arifsyah Nasution, nhà vận động đại dương của Tổ chức Hòa bình xanh Indonesia cho rằng nguồn gốc của paracetamol có thể là từ việc xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là của các công ty dược phẩm. Rác thải bệnh viện cũng như tiêu dùng sinh hoạt là những nguồn gây ô nhiễm khác.