Liên tục thua lỗ
Sau khi đóng cửa 4 trung tâm thương mại (TTTM), nhiều người tin rằng, Parkson đang chuẩn bị cho đóng cửa TTTM tiếp theo tại TP Hồ Chí Minh, Parkson Cantavil.
Parkson Cantavil hoạt động tháng 12.2013 và thời điểm đó là trung tâm thương mại thứ 9 của hệ thống này tại Việt Nam và thứ 6 tại TP.HCM.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian vận hành, khu mua sắm này cũng trở nên vắng vẻ và các gian hàng thời trang liên tục đổi chủ, giảm giá, thanh lý hàng tồn. Từ cuối năm 2017 đến nay, các tầng mua sắm liên tiếp treo bảng sửa chữa.
Trước đó, tập đoàn này cũng đã đóng cửa lần lượt 3 trung tâm thương mại cỡ lớn bao gồm Parkson Keangnam, Parkson Paragon, Parkson Viet Tower và Parkson Flemington (TP.HCM).
Theo báo cáo tài chính quý I/2018 niên độ 2017-2018 do Parkson công bố, kết quả kinh doanh của đơn vị này không mấy khả quan. Với việc lỗ trước thuế 24 tỷ đồng trong quý I, Parkson chính thức đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm, Parkson chỉ thu về khoảng 111 tỷ đồng doanh thu tại Việt Nam, giảm 11% so với cùng kỳ 2017. Trong khi giá vốn và các chi phí vận hành không giảm khiến tập đoàn này lỗ 24 tỷ đồng, cùng kỳ chuỗi trung tâm tại Việt Nam cũng khiến Parkson lỗ 20 tỷ.
Với niên độ tài chính bắt đầu từ tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau, lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và lỗ tới 48 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Thua lỗ vì kém cạnh tranh, ít chịu thay đổi
Với việc làm ăn thua lỗ, Parkson đóng cửa TTTM và có thể sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam là điều mà nhiều người có thể dự đoán được.
Theo chuyên gia đào tạo về bán lẻ của Trung tâm BSA, ông Phạm Trọng Chinh, sự tàn lụi của Parkson đã được dự đoán trước từ cách đây 3 năm, khi đơn vị này đóng cửa TTTM đầu tiên. Câu chuyện của Parkson chỉ thuần túy nằm ở yếu tố cạnh tranh.
5 đến 10 năm về trước, khi Parkson mới ra đời, họ chỉ cạnh tranh với Diamond mà khi đó Diamond còn rất nhỏ và Parkson được xem là duy nhất. Nhưng 10 năm sau, nhiều TTTM lớn, hiện đại, quy mô ra đời khiến Parkson trở nên lạc hậu.
“Nhìn vào các TTTM mới hiện nay có thể thấy họ đáp ứng được 3 yếu tố là không gian mua sắm, không gian ăn uống và không gian vui chơi. Người ta gọi đó là 3 trong 1. Những đối thủ của Parkson sau này hơn hẳn Parkson ở cả 3 yếu tố đó”, ông Chinh thẳng thắn.
Về không gian mua sắm, cách thiết kế của các TTTM hiện nay sang trọng, tinh tế hơn hẳn so với Parkson, hàng hóa cũng phong phú hơn so với Parkson. Việc khách hàng “bỏ rơi” Parkson để tìm đến những “ông lớn” khác.
Về không gian vui chơi, các đối thủ của Parkson tạo ra không gian cho gia đình với nhiều tiện ích vui chơi hấp dẫn, thu hút.
Về không gian ăn uống của các TTTM hiện nay cũng rất đa dạng, phong phú để khách hàng tha hồ lựa chọn.
Cũng theo ông Chinh, trong kho các đối thủ liên tục đổi mới để thu hút khách hàng thì Parkson lại “lười” thay đổi từ phong cách đến phương pháp kinh doanh.
Parkson vẫn giữ mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới giới thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác… Việc này đã dần khiến Parkson mất khách hàng, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua.
Song ông Chinh cũng thừa nhận để đầu tư, thay đổi một TTTM không phải là chuyện dễ dàng bởi nó tổn kinh phí khủng, đòi hỏi đơn vị đầu tư phải có tiềm lực kinh tế.