"Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đưa ra đánh giá về con số 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2020.
Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm, khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3, đầu tháng 4 cho biết.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Các hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái – kiến nghị: Cần phải nhanh chóng cho doanh nghiệp "uống thuốc bổ" để tăng sức đề kháng trước, sau đó có thêm thời gian tìm "thuốc đặc trị" cho từng ngành nghề và từng mức độ ảnh hưởng.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, ông Phạm Đình Đoàn nêu ra 5 liều "thuốc bổ" cần cho doanh nghiệp "uống ngay" gồm:
- Giãn nợ ngân hàng 2-4 tháng.
"Chắc chắn dòng tiền của doanh nghiệp bây giờ đang bị mất cân bằng. Do vậy, việc giãn nợ ngân hàng là cần thiết. Việc giãn nợ này ngân hàng sẽ chủ động, bởi họ biết doanh nghiệp nào tốt, nhưng nên chăng cần thêm sự bảo lãnh, quan tâm của Chính phủ để việc giãn nợ được sâu sát hơn", ông Đoàn kiến nghị.
- Giảm các loại phí chung và giãn thời gian nộp các loại thuế và phí. Ví như thay vì nộp vào Quý 1 thì nên chăng để doanh nghiệp nộp vào Quý 4, khi tình hình kinh doanh hồi phục dần.
- Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xúc tiến các hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu.
- Giảm và giãn tiền thuê đất hay mặt bằng sản xuất kinh doanh. Kiến nghị Chính phủ kêu gọi các chủ cho thuê mặt bằng, văn phòng có thiện chí giảm giá thuê cho doanh nghiệp.
"Chúng ta không thể trông chờ vào nguồn lực và các chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp là hoàn hảo được. Để chiến thắng, chúng ta phải có nỗ lực "3 in 1", tức từ cả 3 phía - Chính Phủ, Chủ doanh nghiệp và người lao động, quan trọng là người lao động cố gắng cảm thông với các chủ doanh nghiệp, có thể trong thời gian 2 - 3 tháng hoặc 4 tháng. Những lúc này, chúng ta cần đồng thuận mới có thể vượt qua khủng hoảng thành công", ông Đoàn nói.
Sau khi cho doanh nghiệp uống "thuốc bổ" để tăng đề kháng, tăng sức cầm cự, Chính phủ có thể làm việc riêng với từng hiệp hội, ngành nghề để tìm ra "phương thuốc đặc trị" cho từng ngành nghề, quy mô, mức độ ảnh hưởng (như Hàng không, Du lịch, Xuất nhập khẩu, Khách sạn, Nhà hàng, Sản xuất...)
Bên cạnh đó, ông Phạm Đình Đoàn cũng kiến nghị nên đưa đội ngũ doanh nhân là 1 trong 4 thành phần tuyến đầu phòng dịch.
"Ngoài quân đội, công an, y tế, thì doanh nhân cũng là một lực lượng rất quan trọng. Bởi lẽ doanh nghiệp đóng cửa, giảm việc làm sẽ có tác động rất lớn tới an ninh xã hội. Khi đưa lực lượng doanh nhân vào tuyến đầu như vậy, doanh nghiệp cũng sẽ góp tiếng nói, đưa ra các đề xuất sáng kiến trong phòng chống dịch", ông Đoàn đề xuất.