CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, PTL) đã công bố BCTC hợp nhất quý 4 và lũy kế cả năm 2021 với các chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, tính riêng quý 4, doanh thu thuần đạt 35 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn tăng chậm hơn đà tăng của doanh thu nên PTL ghi nhận lãi gộp 17 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với số lãi gộp vỏn vẹn khoảng 2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Cũng trong quý 4, PTL ghi nhận tăng doanh thu tài chính gần như đi ngang trong khoảng 3 tỷ, đồng thời không phát sinh chi phí tài chính. Các chi phí bán hàng và chi phí QLDN tăng so với cùng kỳ; kết quả PTL ghi nhận LNST đạt 11 tỷ đồng, trong đó lãi cổ đông công ty mẹ chiếm gần 10 tỷ đồng, khởi sắc hơn nhiều so với số lỗ ròng gần 800 triệu đồng trong quý 4/2020.
Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của PTL đạt 98 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí, doanh nghiệp thu lãi ròng trong năm 2021 gần 29 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với kết quả thực hiện trong năm 2020. So với kế hoạch LNST là 10 tỷ đồng, PTL đã xuất sắc vượt xa mục tiêu cả năm.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của PTL đã tăng gần 56 tỷ đồng so với đầu năm, đạt xấp xỉ 1.205 tỷ đồng; trong đó 571 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn; doanh nghiệp cũng có gần 203 tỷ đồng tiền, tăng hơn 194 tỷ so với hồi đầu năm.
Nợ phải trả của PTL tại thời điểm cuối năm ghi nhận xấp xỉ 443 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 192 tỷ đồng; dài hạn gần 13 tỷ đồng.
Thông tin liên quan, PTL dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1-2/2022, nội dung nhằm thay đổi cơ cấu HĐQT và Ban kiểm soát, đồng thời trình chủ trương huỷ niêm yết tự nguyện. Trong tài liệu đại hội, PTL dự kiến bỏ nội dung huỷ niêm yết, ngược lại sẽ trình chiến lược, mô hình phát triển mới của Công ty thông qua thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Đáng chú ý, PTL muốn hướng đến chiến lược nâng giá trị vốn hoá lên 10.000 tỷ đồng.
Chốt phiên 24/1, thị giá PTL đạt 12.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 94% so với thời điểm bắt đầu năm 2021.