Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp Analyst meeting (cuộc gặp mặt với giới phân tích và các quỹ đầu tư) quý 3 -2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Mặc dù đã tổ chức rất nhiều các cuộc roadshows giới thiệu cơ hội đầu tư trong nước và nước ngoài, tuy nhiên đây là lần đầu tiên PLX tổ chức một sự kiện Analyst Meeting chính thức cho cộng đồng giới phân tích, đầu tư để cung cấp và trao đổi các thông tin kịp thời về tình hình hoạt động của Tập đoàn.
Ban lãnh đạo Petrolimex: Ông Trần Tuấn Linh - Trưởng ban quản trị rủi ro, ông Lưu Văn Tuyển - Phó TGĐ, Ông Nguyễn Văn Sự - Phó TGĐ
Mở rộng mạng lưới bán lẻ 80-100 cửa hàng mỗi năm
Tại buổi analyst meeting, ông Trần Tuấn Linh, Trưởng ban Quản trị rủi ro – HĐQT, phụ trách về công tác IR của tập đoàn chia sẻ, Petrolimex hiện vẫn đang là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam với 50% thị phần toàn quốc. Hệ thống bán lẻ của công ty hiện có 2.700 cửa hàng trực thuộc và 2.800 đại lý xăng dầu. Ông Linh cho biết, sản lượng bán của Petrolimex tại mỗi cửa hàng xăng dầu (CHXD) bình quân đạt 181m3/tháng, có sự chênh lệch đáng kể so với sản lượng bán của các công ty kinh doanh xăng dầu lớn khác tại Việt Nam.
9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của PLX đạt 140.300 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm. Tuy vậy lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.400 tỷ, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.600 tỷ tăng 14% cùng kỳ năm trước, hoàn thành 83 % kế hoạch năm. Sản lượng xuất bán các sản phẩm xăng dầu hợp nhất tăng trưởng 6,8% cùng kỳ và đạt 84,3% kế hoạch, trong đó sản lượng nội địa tăng trưởng 6%.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Petrolimex
Một điểm đáng chú ý, sau khi Nghi Sơn đi vào hoạt động, tỷ trọng lượng xăng dầu mua trong nước của PLX chiếm khoảng 65- 70%/tổng sản lượng, do đó Petrolimex không bị tác động mạnh bởi áp lực tỷ giá như trước. Lãi do chênh lệch tỷ giá trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 357 tỷ đồng.
Trong các mảng hoạt động, lĩnh vực xăng dầu và nhiên liệu hàng không chiếm 66% lợi nhuận toàn tập đoàn trong đó lợi nhuận kinh doanh nhiên liệu hàng không tăng 96% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận kinh doanh xăng dầu tăng 5%, hóa dầu tăng 2%, gas giảm 4% và dịch vụ vận tải giảm 18% do xu hướng mua trong nước nhiều hơn nên buộc Petrolimex phải cơ cấu lại đội tàu để phù hợp đường vận động hàng hóa mới.
Chia sẻ tại sự kiện này, ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng giám đốc tự tin rằng năm 2019 PLX sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra tại Đại hội cổ đông. Định hướng thời gian tới, Petrolimex tiếp tục tiên phong phân phối các sản phẩm cao cấp tiêu chuẩn Euro IV và V như hiện tại và hướng tới các sản phẩm chất lượng cao hơn ra thị trường; nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; phát triển hệ thống bán lẻ với mục tiêu mở rộng mạng lưới 80-100 cửa hàng/năm và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm tại hệ thống cửa hàng xăng dầu để gia tăng lợi nhuận ngoài xăng dầu.
Thí điểm mở dịch vụ rửa xe, bảo dưỡng xe để mở rộng dịch vụ gia tăng tại hệ thống CHXD
Nằm trong chiến lược mở rộng dịch vụ giá trị gia tăng tại hệ thống CHXD, Petrolimex hiện đã hoàn thành việc phân loại các cửa hàng xăng dầu hiện có thành các nhóm khác nhau (theo diện tích, vị trí, quy mô, lưu lượng khách hàng ra vào,…) để lựa chọn cung cấp dịch vụ gia tăng phù hợp. Các dịch vụ rửa xe, bảo dưỡng ô tô đang được nghiên cứu triển khai thí điểm. Định hướng phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu của tập đoàn cũng tập trung xây dựng các cửa hàng có diện tích hơn 2.000m2 để có thể triển khai các dịch vụ gia tăng đi kèm.
Theo đánh giá của nhóm Petrolimex-JX (đối tác Nhật Bản), lợi nhuận gộp từ CHXD nếu có thêm dịch vụ gia tăng sẽ cao hơn 20-30% so với CHXD truyền thống trong giai đoạn đầu và có thể đạt mức kỳ vọng 60-70%. Tại thị trường Nhật Bản, cửa hàng xăng dầu của JXTG (đối tác chiến lược của PLX), có lợi nhuận từ các dịch vụ xăng dầu chiếm khoảng 50% trong tổng lợi nhuận mang lại từ cửa hàng xăng dầu.
Giai đoạn ô tô hóa đang diễn ra nhanh chóng và tầng lớp trung lưu tăng nhanh sẽ giúp Petrolimex gia tăng các dịch vụ phụ trợ thời gian tới.
Petrolimex cũng đã lập ban thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng tại tất cả cây xăng để công nghệ thanh toán này áp dụng cho tất cả các loại thẻ credit, debit, ví điện tử…Tập đoàn đang hướng tới thí điểm mỗi bơm sẽ có một thiết bị công nghệ để triển khai việc tự trả tự phục vụ.
Dự án đầu tư và cung cấp khí hóa lỏng LNG 1 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, PLX sẽ đầu tư kho cảng và cung cấp khí tái hóa lỏng (LNG) cho trung tâm điện lực EVN. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến 700 triệu USD. Thời gian triển khai dự kiến trong 4 năm.
Tổ hợp nhà máy điện của EVN đặt tại Nam Vân Phong có công suất 6.000 MW (giai đoạn 1 3.000 MW), do đó khi đầu ra đã được đảm bảo PLX sẽ tham gia đầu tư kho cảng và cung cấp khí cho EVN với công suất giai đoạn đầu 3 triệu tấn/năm. Quanh khu vực Nam Vân Phong còn có nhà máy của Sumitomo muốn chạy LNG do đó dự án này có thể tăng sản lượng từ 3 triệu tấn lên 10 triệu tấn.
Petrolimex kỳ vọng thương vụ sáp nhập PGBank và HDBank sẽ hoàn tất trước tháng 6/2020
Theo ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng giám đốc tập đoàn, lộ trình thoái vốn tại PGBank đã được PLX xây dựng từ năm 2015 khi ký hợp đồng với Vietinbank, tuy nhiên đến tháng 4/2018 tập đoàn đã ký hợp đồng sáp nhập PGBank với HDBank và đã được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc. Việc phối hợp giữa HDBank và PGBank trong quá trình sáp nhập rất tốt và vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của NHNN. Theo lãnh đạo PLX, kỳ vọng trước tháng 6/2020 thương vụ này sẽ hoàn thành.
Ông Tuyển cũng chia sẻ, 9 tháng năm 2019, ngoài việc xử lý nợ xấu, hoạt động kinh doanh của PGBank có sự tăng trưởng lớn so với năm 2018 (lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 164 tỷ đồng, tăng 53,5% so với cùng kỳ).
Trong lĩnh vực bảo hiểm, PJICo đã phát hành 20% cổ phần cho cổ đông chiến lược Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD, hiện tập đoàn còn nắm giữ 40,95% cổ phần tại công ty bảo hiểm này và đang có lộ trình thoái vốn xuống 20%-35%.
Petrolimex cũng đang trong lộ trình thoái vốn Nhà nước từ 75% xuống 51% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Tập đoàn đang nghiên cứu các phương án để đảm bảo hài hòa giữa kế hoạch thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước và nhu cầu huy động vốn của Tập đoàn cho mục tiêu đầu tư phát triển. Trước đó, PLX cũng đã báo cáo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) về việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại PLX từ 20% lên 49% và được UBQLVNN chấp thuận. Tuy nhiên, quyết định chính thức cuối cùng cần phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, PLX cũng đi roadshow tại thị trường nước ngoài để chào bán cổ phiếu quỹ. Hiện số lượng cổ phiếu quỹ của PLX khoảng 103 triệu đơn vị, tương đương 8% vốn cổ phần. Thời gian chào bán, tỷ lệ chào bán sẽ cần phải được sự chấp thuận của Ủy ban quản lý vốn tuy nhiên nếu chào bán thành công sẽ tăng tỷ lệ free-float cho cổ phiếu này.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, ông Lưu Văn Tuyển và ông Nguyễn Văn Sự nhấn mạnh mục tiêu của PLX trong 10 năm tới là trở thành Tập đoàn năng lượng có quy mô vốn hóa chục tỷ USD, doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong việc cung cấp các nguồn năng lượng sạch, tiêu chuẩn chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Để đạt được mục tiêu đó, PLX đang xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể, từ việc kiện toàn bộ máy tổ chức, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào hệ thống quản trị doanh nghiệp, hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của PLX.
Về vấn đề chia cổ tức, ông Lưu Văn Tuyển cho biết PLX tối đa hóa lợi ích cổ đông trên cơ sở kết quả kinh doanh đạt được và tỷ lệ cổ tức cố gắng duy trì đồng nhất giữa các năm.
Hiện cổ phiếu PLX đã được vào danh sách cung cấp margin của Hose. Theo tiết lộ của lãnh đạo tập đoàn, khả năng cuối năm cổ phiếu này sẽ được vào lại danh sách Vn30 sau khi đáp ứng đủ các chỉ tiêu.
Biến động giá cổ phiếu PLX trong 1 năm