Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) vừa tổng kết tình hình kinh doanh 2019 đồng thời lên kế hoạch hành động cho năm 2020.
Trong đó, năm 2019 Petrolimex nộp Ngân sách 41.800 tỷ đồng (tăng 7% so với 2018), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.486 tỷ đồng (tăng 9% so với 2018). Sản lượng xuất bán hơn 13,6 triệu m3/tấn (tăng 5,9% so với 2018).
So với kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế 5.250 tỷ đồng và sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất gần 12,23 triệu m3, Tập đoàn đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận 4,5%.
Bước sang năm 2020, Petrolimex dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục màu sắc ảm đạm; thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây biến động giá mạnh, đáng chú ý nhất là tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông. Trong nước, dự báo tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức trên 6,8% theo mục tiêu Chính phủ đặt ra; Thị trường xăng dầu sẽ tiếp tục được vận hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt.
Theo đó, Tập đoàn lên kế hoạch tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản lượng bán qua các kênh bán hàng, đặc biệt là kênh bán lẻ trực tiếp, đẩy mạnh công tác phát triển mạng lưới cửa hàng… song song bám sát lộ trình giảm vốn Nhà nước tại Tập đoàn xuống còn 51%.
Liên quan đến tái cấu trúc, đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành toàn bộ các nội dung tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Tập đoàn theo Quyết định 828/QĐ-TTg ngày 31.5.2011, Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17.7.2012 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 11490/BCT-TCCB ngày 27/11/2012 của Bộ Công Thương.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư quý 3 năm nay, ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng chia sẻ lộ trình thoái vốn tại PGBank đã được xây dựng từ năm 2015 khi ký hợp đồng với Vietinbank, tuy nhiên đến tháng 4/2018 Tập đoàn đã ký hợp đồng sáp nhập PGBank với HDBank và đã được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc. Việc phối hợp giữa HDBank và PGBank trong quá trình sáp nhập rất tốt và vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của NHNN. Lãnh đạo Petrolimex kỳ vọng trước tháng 6/2020 thương vụ này sẽ hoàn thành.