"Chúng tôi đề xuất chính sách cho các dự án điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và điện gió nên được xây dựng trên cơ sở lâu dài và bền vững, có tính đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu", nhóm Công tác Điện và Năng lượng (PEWG) cho biết.
Theo PEWG, Chính phủ nên xem xét những vấn đề sau:
1. Gia hạn FIT thêm ít nhất 6 tháng hoặc tốt nhất là 12 tháng so với thời hạn hiện tại là 31/12/2020 cho cả các nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
2. Gia hạn FIT cho điện gió trên đất liền thêm sáu tháng, tiếp theo là áp dụng FIT mới khả thi cho các dự án điện gió trên đất liền nối lưới vào cuối năm 2023; và gia hạn hai năm đối với FIT gió ngoài khơi hiện tại đến cuối năm 2023.
3. Phát triển FIT cho pin lưu trữ kết nối lưới, đặc biệt là kết hợp pin và năng lượng mặt trời nối lưới, để cải thiện độ ổn định của lưới điện và điều tiết điện mặt trời trong giờ cao điểm.
Nhóm Công tác Điện và Năng lượng cũng cho rằng, cần xây dựng một môi trường pháp lý và cho phép thu hút đầu tư dự án không hòa lưới quy mô nhỏ hơn vào sản xuất năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng; đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện và Nguồn điện linh hoạt để cải thiện tính ổn định và nâng cao công suất; quy định chính sách cụ thể về các tấm pin mặt trời phế thải hướng đến tái sử dụng nguyên liệu và giảm thải ra môi trường.
Theo PEWG, các quy định được đề xuất này sẽ hỗ trợ cả khu vực tư nhân Việt Nam và nước ngoài huy động năng lực chuyên môn, công nghệ và tài chính để hỗ trợ Đảng và Nhà nước xây dựng một hệ thống năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và an toàn. Cụ thể là:
- Tăng cường an ninh năng lượng từ việc bao gồm khí đốt tự nhiên, hiệu quả năng lượng và tái tạo năng lượng trong hệ thống năng lượng. Dự phòng và đa dạng hóa là chìa khóa cho an ninh và khả năng phục hồi hệ thống năng lượng.
- Giảm chi phí hệ thống điện so với kế hoạch năng lượng tập trung vào than bằng cách hạn chế tính dễ bị tổn thương đối với thị trường than biến động, tránh các khoản nợ tài chính của tài sản bị mắc kẹt và giảm chi phí liên quan đến sức khỏe cộng đồng và tác động môi trường.
- Thu hút được nhiều đầu tư tư nhân hơn vào các dự án năng lượng tái tạo, nhờ đó giảm bớt áp lực về công suất điện cho EVN và chia sẻ trách nhiệm này với nhiều đối tượng sử dụng điện cũng như đơn vị sản xuất điện trong mô hình sản xuất phân tán.
- “Xã hội hoá” thị trường điện để bảo vệ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có khả năng chi trả thấp nhất, đảm bảo EVN hoạt động bền vững về tài chính và phản ánh bước dịch chuyển hướng tới định giá theo thị trường trong khuôn khổ TSĐ VIII.
- Giảm mức phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí và các chi phí khác so với kế hoạch năng lượng dựa vào than đá, phù hợp với các cam kết NDC của Việt Nam.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các sáng kiến công nghiệp tư nhân khác làm giảm cường độ năng lượng, cho phép sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà dân cư và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua giáo dục công cộng và các quy trình pháp lý.