Theo kế hoạch, ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường để bàn về phương án tái cơ cấu.
Trước đó, PGBank được nhắc đến như là một đối tác được Ngân hàng Quân đội "để mắt" tới. Nhiều người cho rằng sẽ có sự sáp nhập về chung một nhà vì hai ngân hàng cũng có khá nhiều sự tương đồng, và nếu PGBank được nhập về MB sẽ giúp MB như "hổ mọc thêm cánh". Tuy nhiên lãnh đạo MB khẳng định sự việc còn "chưa đi đến đâu".
Còn VietinBank, sau thời gian dài đằng đẵng thương thảo, dù đã có đề án sáp nhập trình tới cổ đông, nhưng cuối cùng vẫn chẳng đi đến đâu và cũng trong ngày 21/4 HĐQT của ngân hàng này sẽ trình lên cổ đông về việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập PGBank.
Ngoài MB thì PGBank còn được cho là có khá nhiều ngân hàng tìm hiểu. Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng có quy mô tương đương ở khu vực phía Nam từng chia sẻ với người viết rằng, nếu có cơ hội hợp hợp tác để cùng sáp nhập với PGBank thì thật tốt vì đây là một trong số ít các ngân hàng "sạch" và có đối tác chiến lược vững vàng là Petrolimex.
Và gần đây thị trường còn có thông tin PGBank đang được tìm hiểu bởi một đối tác khác có sự tương đồng về nhiều mặt, đó là HDBank - Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDB). Đến thời điểm này, người trong cuộc vẫn chưa lên tiếng. Chúng tôi có liên hệ với một số lãnh đạo có vị trí ở ngân hàng, họ chỉ cười và xin phép tạm thời chưa có ý kiến.
Sự "liên quan" giữa hai ngân hàng này khởi nguồn từ một hợp tác chiến lược vừa ký kết giữa HDBank với Petrolimex - đơn vị đang sở hữu 40% vốn của PGBank trong ngày 19/4. Theo đó, hai bên thỏa thuận hợp tác sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh doanh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, củng cố vị thế và tăng cường sức cạnh tranh của mỗi bên.
Ngoài ra, khả năng PGBank có thể "nên duyên" với HDBank còn được cho là có những cơ sở khác khá thuyết phục.
Từ phía PGBank, suốt từ năm 2013 tới nay ngân hàng vẫn loay hoay với việc đàm phán để sáp nhập cùng VietinBank nhưng chưa thành do hai bên còn chưa thống nhất quan điểm trong đó có tỷ lệ hoán đổi. Cổ đông của PGBank tại đại hội năm 2017 đã tha thiết đề nghị với lãnh đạo ngân hàng rằng có thể tìm đến một đối tác khác cho dứt khoát, hoặc không thì tự tái cơ cấu chứ đừng chờ đợi mãi, đừng phụ thuộc ngân hàng lớn như khi để cho VietinBank tìm hiểu khiến ngân hàng 3 năm "chẳng làm ăn gì, chẳng có cổ tức cho cổ đông". Và lãnh đạo ngân hàng khi đó là ông Bùi Ngọc Bảo đã hứa rằng sẽ đề nghị cơ quan quản ly đẩy nhanh tiến độ sáp nhập, đồng thời đàm phán sao cho có lợi nhất cho cổ đông.
Bên cạnh đó, Petrolimex - đơn vị sở hữu 40% vốn ngân hàng, cũng vẫn đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng số cổ phần còn nắm giữ ở PGBank theo lộ trình thoái vốn đã được Chính phủ đặt ra với các tập đoàn, tổng công ty từ vài năm trước, mà cho đến nay Petrolimex là một trong số ít còn chưa hoàn thành "nghĩa vụ".
Về phía HDBank, ngân hàng luôn bày tỏ tham vọng trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu. Mà để lớn mạnh, để nhanh chóng vượt qua đối thủ thì mua bán sáp nhập (M&A) là con đường ngắn nhất và dễ đạt nhất. Đó là chưa kể, những lãnh đạo HDBank xưa nay vẫn nổi tiếng là những người có "sở thích" M&A. Từ 2013 tới 2015, HDBank đã là ngân hàng tiên phong trong hoạt động mua bán sáp nhập khi nhận sáp nhập DaiABank, mua đứt 100% công ty tài chính của Pháp rồi lại bán 49% cổ phần công ty đó cho đối tác Nhật. Tại hội nghị của HDBank ngày 17/4 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng này tiếp tục để ngỏ khả năng M&A.
Ngoài ra, trong chiến lược của mình, HDBank còn rất chú trọng phát triển các khách hàng lớn, tất nhiên bao gồm cả Petrolimex - đơn vị đang có hơn 20 triệu khách hàng cùng khoảng 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và 4.000 đại lý khắp cả nước.
"Chiến lược 5 năm 2017-2021, HDBank sẽ tập trung vào phát triển khách hàng thông qua Big Data và cung cấp tài trợ chuỗi cung ứng, với lợi thế là những khách hàng lớn, đặc quyền ở khắp các lĩnh vực như Vietjet, Vinamilk… Mục tiêu của HDBank là tăng gấp 3 số lượng khách hàng, đạt 15 triệu người vào năm 2021; tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 37%/năm" - là thông điệp đã được lãnh đạo ngân hàng này nhắc đến rất nhiều lần.
Có hay không một cuộc sáp nhập giữa HDBank và PGBank, hay PGBank và MB, hoặc là giữa PGBank và một ngân hàng khác đều phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu, những gợi mở có cơ sở rất có thể sẽ được giải đáp tại đại hội cổ đông ngày 21/4 của hai ngân hàng PGBank và HDBank.