Cho rằng tăng trưởng trong nước năm 2018 sẽ đạt cao, có thể chạm mức 7% nhưng PGS. TS. Vũ Minh Khương, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), lưu ý Việt Nam sẽ phải có sự chuẩn bị cho 3 – 5 năm tới, trước những biến đổi lớn của thế giới.
Một đất nước muốn phát triển, theo ông Khương phải dựa trên 3 động lực. Thứ nhất, là tư duy quyết liệt, quyết tâm. Điều này đang được Việt Nam thực hiện rất tốt, thể hiện qua những việc làm gần đây của Chính phủ, như là hội nhập, như là các chính sách kiến tạo.
Thứ hai là các thiết chế chặt chẽ, buộc các chủ thể kinh tế phải có hành vi kiến tạo, thay vì kinh doanh một cách chộp giật, tạo lực cản đối với nền kinh tế.
Thứ ba là chiến lược phù hợp. Theo đó, những người điều hành không chỉ đưa ra một chính sách tốt riêng lẻ, mà chính sách phải có sự cộng hưởng nhằm tạo ra một giá trị cao hơn. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở khía cạnh này.
Ba động lực này, để thực hiện, phải có được một đội ngũ nhân sự tốt, tức đòi hỏi có thu hút được nhân tài.
Đối với vấn đề này, PGS. Khương dẫn ra bài học của Trung Quốc với 6 từ khoá, gồm:
Thức tài, nghĩa là khiến cho người người tài cảm thấy họ có nhiều cơ hội.
Ái tài, nghĩa là có lòng yêu mến, quý trọng người tài. Thấy người tài nhất định không bỏ qua, tìm đủ mọi cách để mời họ về.
Giáo tài, nghĩa là có các chính sách hỗ trợ, đào tạo thêm cho người tài, bởi lẽ rất nhiều người tài không sẵn sàng cho công việc mà cần có thêm thời gian.
Dụng tài, tức là sử dụng người tài một cách thực chất, giao cho họ những vấn đề, khía cạnh đầy thách thức.
Dung tài, có nghĩa là dung dưỡng cho người tài, không vì một vài cơ chế cứng nhắc khiến người tài bỏ đi.
Tụ tài tức là khiến cho hào kiệt có cơ hội tụ tập lại với nhau. Đây là chiến lược dài hơi chứ không chỉ bằng một vài quyết sách ưu đãi, nhỏ lẻ.
"Trung Quốc rất chú ý những điều này nên thành công của họ rất đáng kính nể", PGS. Vũ Minh Khương nói.
Trao đổi thêm với Trí Thức Trẻ về kinh nghiệm giữ chân người tài trong bộ máy công chức PGS. Vũ Minh Khương cho biết cần phải giải bài toán cân bằng của 3 yếu tố, bao gồm: lương, cơ hội thăng tiến, học hỏi và các chính sách an sinh.
Theo đó, dù lương ở các nước đang phát triển có thể chưa cạnh tranh được với những nước giàu nhưng phải đảm bảo được cuộc sống của công chức. Tỷ lệ được ông Khương đưa ra ở đây là bằng khoảng 80%.
Tuy nhiên, những nhân sự này phải được đảm bảo có được môi trường làm việc thực sự, được tín nhiệm, giao việc, có cơ hội học hỏi, vươn lên.
Cuối cùng là các chính sách an sinh, cụ thể là bảo hiểm. Theo ông Khương, nên có chính sách bảo hiểm tốt cho những người làm Nhà nước. Đây là một trong những yếu tố giúp giữ chân người tài. Ông cũng nhấn mạnh yếu tố này không làm tiêu tốn ngân sách.
"Đấy là những tổng hoà cần được nghĩ đến khi đưa ra chính sách thu hút nhân tài", ông Khương nói.
Nói thêm về quy trình tuyển dụng công chức, vị chuyên gia đến từ Singapore cho rằng Việt Nam cần có sự cải tiến hơn. Dẫn ra ví dụ của Campuchia, ông cho rằng nước này tiến bộ hơn Việt Nam khi họ thông qua một hội đồng, chấm điểm từng tiêu chí của ứng viên trên thang điểm 5. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang sử sử dụng việc lấy phiếu tín nhiệm mà theo ông là "ít giá trị".
"Quy trình tuyển dụng cần có cải tiến, giám sát theo và có những hỗ trợ giúp người tài hành động tốt. Thông qua đó sẽ tạo ra được hệ sinh thái cho người tài", PGS. TS. Vũ Minh Khương cho hay.