PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhận định: Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng trên dưới 6%, dự báo năm nay Việt Nam đạt 6,7%. Số doanh nghiệp đăng ký tăng nhiều, số doanh nghiệp giải thể giảm ít đi. Thu chi vẫn đạt được mức mong muốn. Mặc dù Việt Nam đã xóa hơn 100 dòng thuế, nhưng nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm nhiều, chi thường xuyên lại quá lớn, chiếm tới 7%, trong khi đó lại dành cho đầu tư thì không nhiều.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/12/2018, nợ công của Việt Nam là 3,232 triệu tỷ VND, bằng 58,4% GDP. Ông Thanh cho biết, tốc độ tăng của nợ công đang lớn hơn 20% một năm, như vậy là quá nhanh. Bình quân, mỗi người Việt Nam đang nợ 33 triệu VND. Việt Nam cần phải trả nợ nước ngoài 51.544 tỷ VND và sẽ tập trung cao vào giai đoạn 2019-2021 (32,7%), nghĩa vụ trả nợ sẽ chiếm 15,9% tổng thu ngân sách.
Ông Đăng Văn Thanh cho rằng, kinh tế Việt Nam còn tồn tại nhiều nghịch lý. Thứ nhất là tăng trưởng cao nhưng tụt hậu càng xa, tăng trưởng chưa bền vững.
Việt Nam mở cửa hội nhập nhưng xuất khẩu tăng chưa đạt được tốc độ kỳ vọng. Trong năm 2018, xuất khẩu tăng 13%, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tăng 19,8%. Khó khăn chung của thế giới khiến các mặt hàng chủ lực như nông, lâm, thủy sản giảm mạnh trong quý I/2019 và mặt hàng điện thoại không tăng trưởng cao như những năm trước.
Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng vẫn còn nặng về hướng gia công. Hàm lượng trí tuệ và giá trị tăng thêm thấp, năng suất lao động chưa cao, tái cơ cấu chậm. Bên cạnh đó, nông nghiệp chưa được quan tâm xây dựng đúng mức dù đã xác định tam nông là quan trọng.
Giáo dục được xác định là quốc sách nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đặc biệt trong thời gian qua có sự kiện gian lận thi cử nghiêm trọng, tình trạng bạo lực học đường gia tăng là hồi chuông cảnh báo về đạo đức và mức độ thực chất của ngành giáo dục.
Nền kinh tế thế giới nói chung đang ở trong giai đoạn nhiều biến động. Tăng trưởng toàn cầu được nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế dự báo sẽ giảm trong thời gian tới. Nợ công cao ở nhiều quốc gia. Tài nguyên thiên nhiên nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Dịch bệnh ở người và gia súc hoành hành. Nhìn chung, mọi quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những biến động này.
Để giải quyết những tồn tại trên, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, mục tiêu trong thời gian tới là cần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. 3 đột phá chiến lược cần thực hiện là tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh. Nền kinh tế cần được cơ cấu lại một cách đồng bộ, toàn diện và thực chất. Đưa luật doanh nghiệp, luật đầu tư công, luật ngân sách vào cuộc sống.
Nhà nước quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống người dân, cải cách hệ thống tiền lương. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên Đồng thời, xây nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững chủ quyền và đảm bảo an ninh.