Phát biểu tại Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2019 vào chiều nay (11/4), PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, Nhà nước không nên bỏ thêm vốn vào 12 dự án được chuyển về Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp - hay còn gọi là Siêu Ủy ban.
"Có một số quan điểm cho rằng chúng ta cần phải bỏ thêm vốn vào, "mông má" lên rồi thoái vốn để có thêm tiền, tôi cho rằng như vậy là không khả thi" - TS Phạm Thế Anh đánh giá - "Nếu một doanh nghiệp tư nhân mua lại dự án đó và bỏ tiền ra làm sẽ tốt hơn. Thà rằng chúng ta không bỏ thêm tiền và bán với giá rẻ, đúng như định giá của thị trường chứ không nên cố gắng đào sâu theo đuổi đến cùng".
PSG. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR cũng đồng tình với ông Phạm Thế Anh. Ông cho rằng, việc thành lập Siêu Ủy ban là một động thái sắp xếp lại tài sản của nhà nước, và Siêu Ủy ban về mặt ý tưởng nên quản lý được toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước, đưa những doanh nghiệp yếu nhất về "gom lại một chỗ" rồi xử lý.
12 công ty thua lỗ này được coi như những khoản "nợ xấu" của nền kinh tế, cho dù có đổ thêm tiền cũng không hiệu quả, đã sai lầm một lần thì không nên sai lầm thêm lần thứ hai. Bản thân việc xử lý 12 công ty này như thế nào là một thách thức lớn với Siêu Ủy ban.
"Chúng tôi đã đánh giá ngay từ đầu, thành công của Siêu Ủy ban không phải là nỗ lực làm cho những doanh nghiệp trong tay mình trở nên tốt hơn, vì đó là việc không hiệu quả. Thành công của Siêu Ủy ban là đưa tài sản về và làm thế nào để bán nó ra thị trường tốt hơn, để khu vực tư nhân xử lý" - ông Nguyễn Đức Thành nói.
Về việc định giá lại tài sản, các chuyên gia cho rằng, giao cho các doanh nghiệp đi thuê một bên thứ ba định giá bên ngoài có thể vẫn không được công nhận, vì không khách quan, do vậy, nguyên tắc chung là để thị trường định giá.