-Theo quan sát của ông, tình trạng lockdown tại Anh đã làm thay đổi cuộc sống của người dân như thế nào?
Cuộc sống xã hội đã thay đổi hoàn toàn. Ở nơi tôi sống, đường phố vắng. Các cửa hàng cửa hiệu nhà hàng quán rượu… đều đóng cửa. Phương tiện công cộng gần như vắng. Chỉ có siêu thị và các cửa hàng takeway mở cửa. Thỉnh thoảng có người chạy bộ, đạp xe… vào rừng hoặc thảo nguyên. Các thành phố khác cũng vậy. Nhìn chung người dân thực hiện cách ly xã hội tốt.
-Với cá nhân ông thì sao?
Với gia đình tôi, từ ngày lockdown, công việc và cuộc sống chuyển sang trực tuyến và tại nhà. Phần lớn nhà cửa tại Anh đáp ứng tiêu chuẩn dân dụng nên đảm bảo không gian ngoài trời, không tạo cảm giác tù túng.
Hơn nữa, văn hóa Anh đề cao cuộc sống cá nhân, ngoài công việc thì ai biết nhà đó, ít giao lưu tụ tập, nên về mặt sinh hoạt gia đình gần như không có ảnh hưởng gì nhiều. Một điều thú vị là khu phố tôi, từ ngày có lockdown mọi người thăm hỏi nói chuyện nhiều hơn trên mạng xã hội và biết nhau nhiều hơn.
-Một số tờ báo của Anh gần đây dẫn tin Chính phủ dự kiến sẽ mở cửa trở lại trong tháng tới. Theo nhìn nhận của ông, nước Anh đã có những động thái nào cho sự chuẩn bị này?
Mọi thông tin liên quan tới khả năng dỡ bỏ phong tỏa chỉ là dự đoán. Chính phủ hàng ngày thông báo cho người dân về diễn biến, tình hình dịch bệnh trên truyền hình vào lúc 17h chiều.
Chính phủ Anh đưa ra thông điệp rõ ràng rằng việc nới lỏng hay dỡ bỏ phong tỏa sẽ được xem xét sau mỗi 3 tuần và việc xem xét sẽ dựa trên sự tiến triển ở 5 vấn đề quan trọng. Gồm: khả năng đáp ứng của hệ thống bệnh viện; tỷ lệ tử vong giảm dần; tỷ lệ nhiễm bệnh giảm tới mức quản lý được; đủ nguồn lực bảo vệ cho nhân viên y tế; và việc điều chỉnh phong tỏa không làm phương hại tới hệ thống y tế.
Cho đến thời điểm hiện tại, họ cho rằng các biện pháp phong tỏa đã có tác động tích cực, nhưng chưa đủ tin cậy để nói rằng 5 vấn đề nêu trên đã được đáp ứng.
-Sự đón nhận tin tức này với người dân, doanh nghiệp ở Anh như thế nào?
Doanh nghiệp và người dân nói chung vẫn được khuyến cáo để chuẩn bị tinh thần rằng việc phong tỏa có thể tính bằng vài tháng, chứ không phải tính bằng vài tuần. Mục tiêu của Chính phủ khi nói như vậy có lẽ muốn người dân, doanh nghiệp nhận thấy trách nhiệm chuẩn bị nghiêm túc và lâu dài cho cuộc sống và nền kinh tế đã thay đổi, thay vì ngồi chờ đợi để quay về như trước.
Người dân và doanh nghiệp có lẽ cũng không kỳ vọng các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa sẽ sớm đến. Các gói cứu trợ của Chính phủ đã được triển khai và khoảng thời gian một quý dường như xuất hiện khá phổ biến. Bởi vậy, "3 tháng" tự nhiên trở thành một cơ sở để người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng đó sẽ là thời gian mà phong tỏa xảy ra dù các biện pháp dỡ bỏ từng phần có thể xảy ra sớm hơn.
PGS.TS. Quách Mạnh Hào
-Nhìn nhận Anh và nhiều nước châu Âu chủ quan trong chống dịch Covid-19 liệu có chính xác hay không?
Tôi có niềm tin rằng chính phủ Anh đã phải cân nhắc hết sức khó khăn trong mỗi quyết định được họ đưa ra. Cách tiếp cận của Anh nói riêng và các nước châu Âu nói chung, theo tôi, dựa trên sự cân nhắc giữa sức khỏe kinh tế và sức khỏe y tế. Xã hội cũng như từng cá nhân cần đảm bảo đủ khỏe trong cả hai để sống và làm việc.
Một cách công bằng, tôi cho rằng họ có thể đã chậm trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo sức khỏe y tế nhưng rất nhanh trong đảm bảo sức khỏe kinh tế.
Sự cân nhắc các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bênh đã phải được tính toán rất kỹ cùng với các giải pháp cứu trợ kinh tế. Đó chính là lý do vì sao mà ngay khi phong tỏa được thực hiện, chương trình cứu trợ được triển khai ngay đến doanh nghiệp và người dân.
Những đối tượng được hỗ trợ thường là đối tượng gặp khó khăn. Họ sẽ không sống được nếu không có sức khỏe kinh tế trong thời gian tuân thủ các biện pháp đảm bảo sức khỏe y tế. Nhiều người nghĩ rằng nghỉ kiếm tiền một vài tuần có sao đâu nhưng thực tế xã hội nào cũng vậy, còn có rất nhiều người khó khăn làm đồng nào tiêu đồng đó. Doanh nghiêp cũng vậy.
-Gần đây, có nhiều nhận định việc đóng cửa nền kinh tế có thể gây ra những tác động vĩnh viễn. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng không nên đánh đổi vấn đề sức khoẻ vì những điểm tăng trưởng. Quan điểm của ông như thế nào? Liệu có điểm cân bằng giữa "kinh tế" và "an toàn" cho người dân?
Tôi nghĩ rằng những người phát biểu như vậy, cũng giống như tôi, là những người không nghèo. Họ ít nhiều có tiết kiệm và cuộc sống của họ không mấy thay đổi nếu nghỉ làm một vài tuần. Khi vừa ra trường, tôi theo thầy đi làm làm các dự án tài chính vi mô, các dự án xóa đói giảm nghèo tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Từ đó và sau này, đi nhiều gặp nhiều, tôi thấy ở đâu cũng có dân nghèo, và họ nhiều hơn những người hay phát biểu trên báo như chúng tôi.
Cuộc sống của họ phụ thuộc vào quán nước, quán ăn vỉa hè hay làm thuê cho nhà máy. Họ làm việc mà không dám nghỉ. Nhiều gia đình vài miệng ăn phụ thuộc vào một người đi làm. Ngay cả khi ốm đau, họ cũng thường cố gượng để làm việc. Với họ, "kinh tế" hay "an toàn" không còn là sự lựa chọn, mà là sự trả giá.
Người dân nghèo có thể chẳng biết tăng trưởng là gì, nhưng họ biết rất rõ việc đóng cửa nền kinh tế làm họ khó khăn như thế nào. Nếu nói bằng ngôn ngữ bình dân dành cho người nghèo rằng không nên đánh đổi sức khỏe lấy thu nhập nuôi sống gia đình hàng ngày, câu chuyện sẽ rất khác. Người nghèo cần đi làm để có thu nhập nuôi sống gia đình họ. Chỉ khi họ nhận được hỗ trợ kinh tế ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa kinh tế được thực hiện, quan điểm nêu trên mới có thể hợp lý.
-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều qua đã tuyên bố cơ bản dừng giãn cách xã hội và nhấn mạnh tinh thần "chung sống an toàn" với dịch Covid-19. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Việt Nam đã làm rất tốt việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhưng việc chưa có vắc xin cũng đồng nghĩa với việc bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào. Rõ ràng không thể cứ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cho đến khi có vắc xin, thực tế thì cũng không biết khi nào có, nên việc chung sống an toàn với dịch bênh là một cách đặt vấn đề hợp lý.
Việc dừng cách ly nên được thực hiện. Đó không chỉ đơn thuần là quyết định y tế nữa, nó còn thực sự là quyết định kinh tế, quyết định liên quan tới an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ, vẫn cần thiết có những cơ chế tiếp tục hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoạt động trở lại một cách ổn định.
-Có ý kiến đề xuất cần mở thị cửa thị trường nội địa và đây sẽ là biện pháp tốt nhất cho Việt Nam lúc này. Quan điểm của ông như thế nào? Nếu mở cửa thị trường nội địa, chúng ta sẽ phải cân nhắc những gì?
Vấn đề này ở tầm chiến lược và tôi không nghĩ mình đủ hiểu biết để trả lời. Nhưng tôi nghĩ rằng việc mở cửa nền kinh tế và thị trường nội địa lúc này sẽ không hẳn là một giải pháp, đặc biệt những giải pháp chiến lược như thế không nên sớm được quyết định vì tình huống ngắn hạn. Tôi hy vọng rằng Chính phủ và nhóm Tư vấn cho Chính phủ sẽ có những đánh giá để thay đổi mô hình kinh tế cho Việt Nam sau dịch bệnh.
Nhưng dù với mô hình kinh tế nào, tôi tin rằng điều mà Việt Nam cần cải thiện lại chính là khả năng thực thi. Điều này phụ thuộc nhiều vào cải cách bộ máy hành chính, trình độ nhân lực và hệ thống pháp lý hỗ trợ thực hiện.
Cảm ơn ông!