Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm Chủ sở hữu Nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 - Trường hợp Vietnam Airlines chiều ngày 13/7, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Buổi tọa đàm này bàn trực tiếp đến ví dụ Vietnam Airlines nhưng ý giải pháp trong tình thế này thì không chỉ áp dụng cho mình Vietnam Airlines mà là cách tiếp cận để đối phó với tình huống trong nền kinh tế hiện tại".
Ông Thiên có ý kiến, tránh dư luận cho rằng việc có trách nhiệm với Vietnam Airlines là thiên vị, là cơ chế "xin cho" là việc phải làm. "Đây không phải là vấn đề Nhà nước 'cứu' Vietnam Airlines mà phải có trách nhiệm!" - ông Thiên nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai ông Thiên cho rằng còn quan trọng hơn chính là để làm rõ vai trò "vừa chung, vừa riêng" của Nhà nước không quá khó. Cái khó là liệu Nhà nước có cứu được không, vì chúng ta phải bàn đến khả năng của Nhà nước, khi chưa rõ tình thế tới đây sẽ như thế nào. Ông Thiên cho rằng ở tình huống này, cách "cứu" là quan trọng nhất.
"Hô to, tính sẵn sàng cao nhưng thủ tục vẫn quá lớn, quá lằng nhằng nên không xử lý được. Ta vướng đủ thứ do chính chúng ta đặt ra" - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Theo ông Thiên, cứu doanh nghiệp như thế nào phải bàn rất cụ thể. Thứ nhất là chọn ai để cứu, vì Nhà nước không đủ nguồn lực để cứu tất cả doanh nghiệp, nên phải bàn để cứu những ngành có tính trọng điểm. Ông Thiên khẳng định, cần phải đặt mục tiêu, cứu doanh nghiệp là để cứu nền kinh tế chứ không phải để cứu chính doanh nghiệp ấy. Và nếu "cứu" Vietnam Airlines thì phải xem vai trò của Vietnam Airlines như thế nào đối với nền kinh tế.
Từ việc ngành hàng không là một lĩnh việc cần phải ưu tiên cứu để cứu nền kinh tế, Chính phủ cần phải làm rõ luận cứ cho việc cứu Vietnam Airlines. Ở đây, theo chuyên gia, quan trọng chính là khái niệm chủ sở hữu.
Nhà nước, trước hết là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa tất cả các bên doanh nghiệp, thì có hệ giải pháp chung cho tất cả doanh nghiệp, giảm các loại phí cho cả Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietnam Airlines. Về phần Vietnam Airlines, cần nhấn mạnh rằng chủ sở hữu phải có trách nhiệm, vì nền kinh tế chứ không phải thiên vị.
Ông Thiên nói, gắn với tình thế hiện tại, đưa giải pháp đặc biệt nhưng việc trao "kiếm lệnh" để thực thi giải pháp cũng rất quan trọng. Đôi khi Chính phủ có giải pháp đặc biệt nhưng không thực hiện được, tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt nhưng không thể thực thi được. Rất nhiều nghị định cần phải thông qua Quốc hội, có thể sẽ gây ra chậm trễ trong việc "cứu" khi tình thế đã rất cấp bách.
"Nếu chậm trễ thì mọi hành vi sau này đều vô nghĩa, chi phí đắt lên vì ốm nặng rồi thì chi phí sẽ đắt lên!" - ông Thiên nói.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, là một nước phục hồi sớm, Việt Nam phải làm sao để chân dung ngành du lịch, chân dung ngành hàng không phải thay đổi cơ bản. Vietnam Airlines phục hồi sớm không chỉ giúp bản thân Vietnam Airlines, mà còn để giúp vực dậy nền kinh tế, vực dậy ngành du lịch.