Ở thời điểm hiện tại, nhiều người gọi năm 2018 là một năm "buồn cười", nhất là với giá dầu mỏ. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi hồi cuối năm, người ta liên tục thay đổi suy nghĩ, từ việc cho rằng giá dầu sẽ tăng lên tới 200 USD/thùng đến lo lắng liệu giá mặt hàng này có thủng 40 USD hay không. Ngày 3/10, giá dầu lập kỷ lục ngắn hạn với 76,4 USD/thùng. Ngày 24/12, giá dầu chỉ còn 42,7 USD/thùng.
Trở lại vài tháng trước, giá dầu của Mỹ được duy trì ở mức 50 USD/thùng trong suốt mùa hè. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào xuất khẩu dầu thô Iran, nhu cầu về dầu tăng lên và tình hình trở nên xấu đi tại Venezuela là ba yếu tố khiến các nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ tăng lên. Thời điểm đó, người ta nghĩ giá dầu sẽ chỉ tăng mà không có giảm.
Tuy nhiên, những chuyển biến bất ngờ mà các nhà phân tích gọi là "Hiệu ứng Trump" đã làm thay đổi tất cả. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm nhiều điều rất tốt cho ngành công nghiệp dầu mỏ. Tuy nhiên, ông Trump lại không muốn giá dầu cao. Tổng thống Mỹ nhiều lần lên tiếng về việc phải giữ giá dầu mỏ thấp, ngay cả khi Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Nếu hàng chục năm trước, đòi hỏi này của ông Trump là hoàn toàn dễ hiểu bởi Mỹ từng nhập khẩu ròng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang xuất khẩu dầu thô và các thành phẩm, yếu tố khiến cuộc chơi đã thay đổi.
Tổng thống Trump nhấn mạnh giá dầu cao sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu thấp lại là sự đe dọa cho giấc mơ độc lập năng lượng của Mỹ vì nó làm giảm động lực đầu tư vào sản xuất dầu mỏ. Giá dầu thấp cũng là mối đe dọa với nhiên liệu tái tạo như ethanol, vốn khó cạnh tranh hơn khi giá dầu thấp.
Trong khi đó, hầu hết các bang được hưởng lợi từ giá dầu cao lại là những người bỏ phiếu cho ông Trump như Texas, Oklahoma, North Dakota, Iowa và Pennsylvania. Tuy nhiên, mong muốn giá dầu thấp của ông Trump đã gây tổn thương cho các nhà xuất khẩu dầu của Mỹ.
Mùa hè vừa qua, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Mỹ với 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến Bắc Kinh tạm ngừng nhập khẩu dầu. Mất đi thị trường này làm tổn thương các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ và đẩy lượng hàng tồn kho lên cao hơn. Điều này khiến họ phải hạ giá để bán hàng.
Sau đó, Tổng thống Trump tiếp tục làm khó các nhà sản xuất dầu của Mỹ bằng việc đưa nhiều quốc gia khỏi lệnh cấm mua dầu của Iran, dẫn đến việc nguồn cung thừa nhiều do nhiều nước đã có kế hoạch tăng cường khai thác để bù đắp lại sản lượng thiếu hụt từ nguồn dầu của Iran. Trước đó, chính ông Trump cũng đã thuyết phục Ả rập Xê út gia tăng sản lượng để sẵn sàng bù đắp.
Điều đáng ngạc nhiên là trong số các nước được miễn trừ trừng phạt khi nhập khẩu dầu từ Iran có cả Trung Quốc. Điều này khiến các doanh nghiệp Mỹ mất đi khách hàng béo bở. Dù Ả rập Xê út đã cắt giảm sản lượng nhưng điều này cũng không đủ ngăn tình trạng giá dầu trượt mạnh. OPEC cũng đã làm việc với Nga để đạt thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày.
Một năm không phải thời gian quá dài đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, năm 2018 có vẻ không giống như vậy. Nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn bao trùm thị trường dầu mỏ với những diễn biến bất ngờ trên chính trường, dẫn tới việc giá dầu mất tới gần 50% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng. Thậm chí, giá dầu hiện tại còn thấp hơn so với nhận định của nhiều người.
Dầu tăng giá khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước ngoài OPEC. Bầu không khí lạc quan được duy trì trong gần hết năm 2018 cùng với những hồ hởi với tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi thời gian gần đây. Brexit bất ổn, Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ là một phần trong những lý do dẫn tới sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ và cả chứng khoán.
Tuy nhiên, đây không phải những gì xảy ra bất ngờ. Anh quyết rời EU từ tháng 6/2016 trong khi Tổng thống Trump công bố đánh thuế hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 3. Chúng không đủ ngăn giá dầu WTI vọt lên mức gần 80 USD/thùng, cao nhất trong nhiều năm qua.
Dù vậy, việc dầu quay đầu trượt dốc vẫn xảy ra. Những dấu hiệu tốt lúc này cũng không đủ sức ngăn được việc trượt giá. Dầu đã bị bán tháo quá mức nhưng nó khó có thể tăng trở lại vào ngày mai và hướng thẳng lên 70 USD/thùng trong bối cảnh Brexit vô cùng lộn xộn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn bế tắc và Mỹ chưa thực sự muốn giảm sản lượng.
Năm 2018 đã dạy các nhà đầu tư rằng dù những vấn đề chưa được giải quyết, dần vẫn có thể tăng giá. Tuy nhiên, những biến động khinh hoàng là điều họ cũng phải ngờ tới. Những khó khăn năm 2019 không đồng nghĩa với giá dầu không thể tăng nhưng những động thái bất ngờ cũng có thể khiến nó trượt dốc. "Bạo phát thì bạo tàn" một lần nữa đúng với giá dầu năm 2018 và không có gì khẳng định nó không thể lặp lại trong năm 2019.