Đồng rúp mạnh kỉ lục
Đồng rúp tiếp tục tăng giá trên Sàn giao dịch Moscow hôm 20/6, đạt mức cao mới trong nhiều năm so với đồng USD. Hiện tượng này diễn ra bất chấp lời đề nghị của Ngân hàng Trung ương Nga hồi tuần trước về việc hủy bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ vốn đã hỗ trợ đồng rúp khi Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Đồng tiền của Nga đã có thời điểm giảm xuống tỉ lệ 55,44 rúp/1 USD vào ngày 20/6, đây là tỷ giá hối đoái mạnh nhất của đồng này so với đồng tiền Mỹ kể từ tháng 6/2015, sau đó mức tỉ giá đã tăng nhẹ. Đồng rúp cũng được giao dịch ở mức chỉ khoảng 58 đồng rúp/1 đồng euro, cũng gần với mức cao nhất trong 7 năm qua.
Sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng 3 do áp lực của các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng tiền này đã phục hồi nhờ sự hỗ trợ từ các biện pháp kiểm soát vốn và một số động thái tài chính của Nga, các nhà kinh tế cho biết. Tuy nhiên, tuần trước, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga đã kêu gọi dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát vốn nhằm nỗ lực làm suy yếu đồng rúp.
Chính phủ cho rằng đồng tiền Nga "đang quá mạnh" vào lúc này, với một số quan chức cho rằng nên suy yếu đồng tiền này xuống còn từ 70 đến 80 rúp / đô la. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương và Phòng Kiểm toán nhà nước Nga đã lên tiếng phản đối các biện pháp can thiệp tiền tệ và ủng hộ chính sách điều tiết tỷ lệ lạm phát hiện tại.
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm lãi suất chủ chốt xuống mức trước khủng hoảng là 9,5%, lưu ý rằng rủi ro lạm phát đối với đất nước tiếp tục giảm bớt. Tỷ lệ này đã được tăng lên 20% sau khi Nga phải hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và các đồng minh vào cuối tháng 2.
Sự phục hồi nhanh chóng của đồng rúp cũng được cho là do giá năng lượng trên thị trường quốc tế tăng và yêu cầu thanh toán khí đốt của Moscow - yêu cầu các quốc gia 'không thân thiện' phải thanh toán nguồn cung cấp bằng tiền rúp của Nga.
EU không trừng phạt thực phẩm và phân bón Nga
RT dẫn lời Giám đốc Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết bất kỳ ai muốn mua thực phẩm và phân bón của Nga đều có thể làm điều đó một cách thoải mái và không cần lo ngại các lệnh trừng phạt bởi chúng không áp dụng đối với các sản phẩm này.
"Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi không nhắm vào thực phẩm, không nhắm vào phân bón. Tất cả những ai muốn mua thực phẩm và phân bón của Nga, họ có thể làm điều đó mà không có trở ngại. Vì vậy họ có thể mua bán, chuyển nhượng”, ông Borrell nói với báo chí trước cuộc họp với các ngoại trưởng EU, vốn được triệu tập để tìm cách giải phóng lượng ngũ cốc Ukraine bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen trong bối cảnh xung đột quân sự đang diễn ra ở nước này.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của EU vẫn nhắm vào hoạt động vận chuyển của Nga, ngăn không cho ngũ cốc và phân bón của nước này được chuyển đến thị trường toàn cầu. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng, với giá lúa mì tăng cao kỷ lục trong vòng hai tháng qua.
Ukraine, vốn cũng là một nền kinh tế lớn, đã không thể xuất khẩu ngũ cốc của nước này bằng đường biển. WTO ước tính rằng từ 22 triệu đến 25 triệu tấn ngũ cốc hiện đang được lưu giữ tại các cảng của Ukraine. Trong khi các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga ngăn chặn các hoạt động xuất khẩu này, thì Moscow nhiều lần tuyên bố rằng họ mong muốn cung cấp lối đi an toàn cho các tàu chở đầy ngũ cốc qua Biển Đen nhưng quân đội Ukraine gây khó khăn cho họ.
Theo ông Borrell, hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Ukraine "đang trở nên rất nguy hiểm không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn thế giới."
"Tôi phải cảnh báo một lần nữa về nguy cơ xảy ra nạn đói lớn trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, và chiến tranh đang tạo ra sự gia tăng giá cả và khan hiếm năng lượng và lương thực. Chúng tôi đang hỗ trợ các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm mở lại các tuyến đường xuất khẩu từ Ukraine," ông nói.