Những ngày gần đây, gia đình chị Nguyễn Thị Minh ở Đội 1- Khe Đá, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương rất bận rộn. Vừa chăm lo cho việc đưa đón khách du lịch tham quan đảo chè, lại vừa tập trung thu hoạch lứa chè xuân đầu tiên trong năm mới, lứa chè mà dân làm chè gọi là “phá mù”- một cung đoạn rất quan trọng trong quá trình thâm canh chăm sóc chè.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh ở Đội 1, Khe Đá, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương thu hái chè bằng máy. Ảnh: Đình Hà
Chị Minh vui vẻ cho biết: Trong vòng đời phát triển của cây chè, vào khoảng nửa tháng 11 âm lịch, cây chè được cắt gần hết phần ngọn, gọi là đốn chè. Sau khoảng một tháng chè sẽ ra lộc nhưng do thời tiết còn lạnh và ít nắng nên những nhánh cây đầu tiên này sẽ phát triển chậm không vươn lên tua tủa mà chỉ được 2-4 lá và nhanh chóng nở to dể quang hợp, bao bọc toàn bộ phần gốc bên dưới chống lạnh cho chè.
Đây chính là lứa chè “mù” phải khẩn trương thu hoạch chăm sóc để đón các đợt nắng xuân ấm áp, chè sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn. Những lứa sau “lứa mù” này mới là những đợt thu hoạch chính.
Công nhân Xí nghiệp chè Hạnh Lâm trộn chè trước lúc đưa vào nhà máy. Ảnh: Đình Hà
Chị Nguyễn Thị Minh là một trong hơn 10.000 hộ dân trồng chè trên địa bàn huyện Thanh Chương đang náo nức “phá mù” cho chè xuân. Hiện ở các xí nghiệp chè và các xã trồng chè đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang hái chè. Ngoài nguồn lao động chính ở các hộ gia đình trồng chè, việc vào vụ tấp nập cũng đã thu hút được một lượng lớn nhân công từ các xã không trồng chè đến làm thuê.
Theo ông Nguyễn Danh Duyên- Bí thư Đảng ủy xã Thanh An- địa phương có gần 450 ha chè: Chè xuân lứa “mù” này năng suất và giá trị không cao. Mỗi ha bình quân chỉ thu được khoảng 2,5 tấn, giá bình quân cũng chỉ 3.500 đồng/kg nhưng do khối lượng lớn nên người dân đã thu được tiền tỷ từ lứa chè đầu tiên trong năm.Với lứa chè “phá mù” này đối tượng được hưởng lợi nhất chính là các xí nghiệp chế biến chè.
Các xưởng chế biến chè của các xí nghiệp đang vận hành hết công suất. Ảnh: Đình Hà
Ông Nguyễn Văn Kỷ- Phó Giám đốc Xí Nghiệp chè Hạnh Lâm cho biết: Lứa chè “phá mù” không có ngọn “tôm”, các lá cũng ít và già nên không được dùng để chế biến chè trà mà chủ yếu dùng để chế biến chè CTC là chè bột, sản phẩm chính của các xí nghiệp. Đây cũng là lứa chè không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được khách hàng ưa chuộng. Những ngày này các xưởng chế biến của xí nghiệp đang chạy hết công suất.
Là địa bàn có gần 5.000 ha chè, trong đó trên 4.000 ha chè kinh doanh đã cho thu hoạch, trong lứa chè “phá mù” này người trồng chè Thanh Chương thu được trên 10.000 tấn chè, thu trên 30 tỷ đồng - một khoản tiền đáng kể nâng cao đời sống và tái sản xuất, làm tiền đề cho những lứa chè bội thu tiếp theo trong năm.