Giá điện tăng và chỉ có tăng luôn là câu chuyện nóng trong đời sống xã hội suốt thời gian qua. Bởi điện là mặt hàng vô cùng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, cho nền kinh tế… Chính vì thế “nhất cử, nhất động” của ngành điện đều ảnh hưởng đến túi tiền của từng gia đình, dù là nghèo nhất trong xã hội.
Lâu nay, điều hành giá điện luôn gây tranh cãi, bất bình khi mà mọi thứ thua lỗ, yếu kém của ngành điện khi đầu tư ngoài ngành, các khoản chi phí vô lý khác…đều được tính vào giá bán điện cho dân.
Xây sân golf, biệt thự... đều được tính vào giá điện (Ảnh: Lao Động)
|
Người dân mong muốn phá thế độc quyền của EVN để có một thị trường điện minh bạch, cạnh tranh, không còn phải bù chéo, không còn dùng điện để thực hiện “an sinh xã hội”, để khi đó có tăng giá điện tới mức nào thì dù phải trả tiền cao tới mức nào cũng không thấy ấm ức.
Giải tán EVN, như cảnh báo từ chính lãnh đạo EVN, để tư nhân cùng làm điện, kinh doanh điện, để tất cả được minh bạch thì nhiều người tin rằng, ngành điện chắc chắn kinh doanh có lãi chứ không thua lỗ nghìn tỷ, thua lỗ khủng như hiện nay.
Phát triển ngành điện dựa vào tài nguyên quốc gia, xây dựng thuỷ điện từ tiền thuế của dân… nhưng người dân đang đứng ngoài cuộc kinh doanh của ngành điện. Họ không có quyền giám sát, ý kiến của họ không được tiếp thu. Ngành điện chỉ làm theo ý chí chủ quan của mình. Người dân chỉ được biết kết quả kinh doanh thực sự của EVN qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán mà chỉ vài năm mới có một lần.
Sau các báo cáo đó, cảm xúc bức bối của người dân lại dâng tràn nhưng rồi mọi chuyện lại vẫn như xưa, điệp khúc “kinh doanh thua lỗ”, tăng giá bán điện để bù lỗ, thua lỗ là vì phải thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội…vẫn được nhắc lại như một cách lấp liếm cho những yếu kém của EVN.
EVN nắm ngành điện mà giá điện cứ tăng vậy thì giải tán EVN cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thị trường điện. Đây là cơ hội để Nhà nước cơ cấu lại thị trường sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện một cách minh bạch để người dân không còn bị ngành điện móc túi như thời gian qua.
Chúng ta đã có quá nhiều dẫn chứng, bài học về sự độc quyền gây méo mó nền kinh tế mà điện, xăng dầu là những điển hình. Chúng ta phấn đấu để có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, vậy tại sao vẫn để tồn tại những thứ độc quyền vô đối như vậy? Người dân không kêu gọi phải giảm giá điện hay bù lỗ cho dân mà chỉ mong hãy kinh doanh một cách sòng phẳng, minh bạch chứ đừng “lập lờ đánh lận con đen” như hiện nay./.