Chủ đề chính thức của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là #BreakTheBias kêu gọi mọi người trên thế giới cùng chung tay hành động để phá vỡ những thiên kiến cản trở bình đẳng giới. Là một phụ nữ làm việc trong ngành tài chính, cô Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam nhận thấy có những thiên kiến liên quan đến tài chính hạn chế cơ hội phát triển của phụ nữ cần được gỡ bỏ.
Dưới đây là bài viết của cô Stephanie Betant có tựa đề Phá vỡ những thiên kiến tài chính đang kìm hãm phụ nữ, chúng tôi xin giới thiệu để độc giả cùng theo dõi.
----
Phụ nữ không giỏi đầu tư?
Suốt một thời gian dài, chuyện tiền bạc vốn được coi là chuyện của đàn ông và rằng phụ nữ không giỏi tính toán, chỉ nên làm "tay hòm chìa khóa" giữ tiền và tiêu tiền thôi, nhưng thời thế đã thay đổi. Thực tế, phụ nữ không hề thua kém đàn ông trong vấn đề tài chính. Thậm chí, họ còn vượt trội hơn phái mạnh khi dấn thân vào mảng đầu tư.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đàn ông có xu hướng thích cảm giác phấn khích khi lao vào đầu tư trong khi phụ nữ nói chung thường nhắm tới mục tiêu tài chính cụ thể. Sự khác biệt này ảnh hưởng đến loại hình đầu tư họ chọn lựa. Phái đẹp tập trung vào cổ phiếu đang tốt sẵn còn phái mạnh có xu hướng đi tìm những mã "ngọc trong đá" chờ ngày lên giá (và có thể ngày này không bao giờ đến). Khi tìm được những mã ưng ý để đầu tư, đàn ông lại thường khó buông bỏ khi cổ phiếu rớt giá, họ nuôi hy vọng rằng rồi sẽ có ngày cổ phiếu quay đầu trong khi phụ nữ sẵn sàng cắt lỗ lạnh lùng như bác sĩ phẫu thuật cắt một khối u.
Ngoài ra, nói ra nghe có vẻ lạ tai nhưng đàn ông thường là những nhà đầu tư bị cảm xúc chi phối. Họ bị tác động bởi thông tin và hay đưa ra quyết định mua/bán trước những biến động này. Tuy nhiên, bán nhiều thường ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về chứ không hề tăng thêm. Thêm nữa, phái mạnh thường quá tự tin vào bản thân nên đôi khi họ đưa ra những quyết định bốc đồng dẫn đến mất nhiều hơn được.
Những lầm tưởng về phụ nữ khi làm chủ doanh nghiệp
Các đây ít năm, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành một nghiên cứu về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam. Nghiên cứu này cho thấy một số lầm tưởng khiến phụ nữ và doanh nghiệp của họ gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
Phụ nữ làm kinh doanh thường e ngại rủi ro hơn đàn ông khi tìm kiếm nguồn vốn? Nghiên cứu chỉ ra rằng nam hay nữ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có mức độ chấp nhận rủi ro ngang nhau khi tìm kiếm nguồn vốn. Phần lớn người trả lời khảo sát nghĩ rằng nên đăng ký vay vốn khi có ý tưởng kinh doanh khả thi và cần có vốn để triển khai, một phần ba lại muốn chờ có kết quả kinh doanh tốt, biết chắc thị trường cần sản phẩm/dịch vụ của mình thì mới tính đến chuyện đi vay vốn. Điều khác biệt duy nhất là cách tiếp cập rủi ro, phụ nữ tập trung vào mục tiêu dài hạn và hiểu rõ các rủi ro hơn là làm theo bản năng so với đàn ông.
Phụ nữ vướng bận con cái thì thời gian đâu mà chăm lo kinh doanh? Trên 90% phụ nữ tham gia khảo sát của Ngân hàng Thế giới đều có gia đình hoặc đã từng kết hôn. Phụ nữ rất coi trọng những trách nhiệm đối với gia đình và với một số người đó cũng là gánh nặng nhưng phần lớn đều linh hoạt sắp xếp ổn thỏa giữa việc làm ăn với gia đình nhờ sự hỗ trợ của người nhà hoặc bên ngoài. Ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp khi còn độc thân và xây dựng đội ngũ họ có thể tin tưởng sau này. Thực tế, khi làm mẹ, phụ nữ có nhiều thuận lợi nếu làm chủ doanh nghiệp như tăng khả năng chịu áp lực trong công việc, thương thuyết hiệu quả hơn và vững vàng trụ được trước khó khăn.
Phụ nữ có nhiều ưu tiên khác và ít khả năng trả nợ hơn so với đàn ông? Nhiều người vẫn nghĩ phụ nữ khi lập gia đình thường phải lo toan nhiều chuyện nên dễ bỏ bê những khoản nợ của doanh nghiệp họ làm chủ. Dữ liệu từ các ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp do nữ làm chủ lại thấp hơn so với nam và phái đẹp cũng tỉnh táo khi đi vay hơn so với phái mạnh.
Phụ nữ cần học về tài chính hơn đàn ông? Một hiểu lầm phổ biến là phụ nữ có kỹ năng quản lý tài chính kém hơn đàn ông và cần học hỏi thêm. Ngay cả phụ nữ cũng có nhiều người nghĩ vậy. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy cả hai phái đều cần hỗ trợ như nhau khi đụng đến lĩnh vực quản lý tài chính. Điểm khác biệt là phụ nữ thường đòi hỏi nhiều thông tin hơn và muốn đảm bảo bản thân phải hiểu tường tận mọi vấn đề trước khi đưa ra quyết định trong khi đàn ông dễ dàng chấp nhận khi thông tin chưa đầy đủ. Chính điều này khiến phụ nữ bị coi là thiếu hiểu biết hơn (và khiến chính bản thân họ cũng nghĩ vậy).
Mặc dù vậy, vẫn có một trở ngại lớn về nguồn vốn đầu tư đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, kết quả là số lượng nữ doanh nhân gặt hái thành công trong xã hội cũng giảm đi ít nhiều. Theo nghiên cứu của Harvard Business Review, trên toàn thế giới, lượng đầu tư đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào doanh nghiệp của phái đẹp chỉ chiếm vỏn vẹn có 2,3%, và con số này thậm chí còn giảm đi trong đại dịch. Con số này thực sự đáng buồn bất chấp một sự thật là doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ trên thực tế "mang lại doanh thu cao hơn – mỗi đồng bỏ vào đầu tư mang lại hơn gấp đôi" theo một phân tích của Boston Consulting Group.
Khoảng cách thu nhập cần được lấp đầy
Có lẽ, khái niệm đàn ông là trụ cột duy nhất của gia đình đã dần mai một khi phụ nữ ngày càng độc lập về tài chính. Họ có thể cùng chia sẻ chi trả các chi phí trong gia đình để giảm bớt gánh nặng trên vai người đàn ông của họ và nói gì thì nói khi hai người cùng hướng đến một mục tiêu, họ sẽ dễ đạt được hơn một người đơn thương độc mã.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động Thế giới, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động đang tăng lên, hiện tại là khoảng 47%. Ở Việt Nam, tỷ lệ này còn cao hơn lên đến 61,6% tính đến Quý 4 năm 2021 theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Không chỉ đi làm thuê, phụ nữ còn làm chủ. Hơn 51,1% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc sở hữu của phụ nữ, hoạt động trong nhiều ngành nghề từ những lĩnh vực tưởng chừng như thuộc lãnh địa của đàn ông như xây dựng, công nghệ… và tạo ra doanh thu không hề thua kém với doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Có thể thấy, giờ đây, phụ nữ đang xoay chuyển vai trò của họ, không chỉ tích cực đóng góp cho thu nhập gia đình mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng trong thu nhập vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới ngay cả khi nam và nữ làm cùng một vị trí và công việc. Thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy phụ nữ chỉ được trả 68% so với đàn ông khi làm cùng một công việc, đặc biệt ở các quốc gia chỉ số bình đẳng giới còn thấp thì tỷ lệ này chỉ còn 40% (Việt Nam xếp hạng 87/156 trên bảng xếp hạng Global Gender Gap index tháng 3/2021). Vì vậy, một mục tiêu quan trọng trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc chính là các quốc gia phấn đấu đạt được bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển, phát huy năng lực trong mọi lĩnh vực trong đó bao gồm cả kinh tế.
Điều đáng buồn là với tiến độ hiện tại, các chuyên gia ước tính phải mất tới 257 năm mới lấp đầy khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ để đạt được bình đẳng thu nhập trên toàn thế giới. Chưa kể, ở nhiều nơi, phụ nữ còn đối mặt với nguy cơ mất việc hoặc thay đổi công việc khi họ nghỉ thai sản. Thiên chức thiêng liêng vô tình trở thành rào cản khiến họ gặp khó khăn trên còn đường phát triển sự nghiệp bản thân, ảnh hưởng đến thu nhập họ xứng đáng được hưởng.
Độc lập tài chính cho phụ nữ
Trong khi chờ đợi sự thay đổi lớn lao trong chính sách doanh nghiệp hay thậm chí ở tầm quốc gia, phụ nữ hoàn toàn có thể tự mang đến sự thay đổi cho chính mình. Bước đầu tiên, chính phái đẹp cần phá bỏ thiên kiến trong đầu mình, người khác nghĩ phụ nữ không giỏi tài chính không có nghĩa đó là sự thật. Phụ nữ hoàn toàn có thể đi làm, kiếm tiền, đầu tư, điều hành doanh nghiệp…
Khi đã có thu nhập, phụ nữ nên nghĩ đến chuyện đầu tư sinh lời. Chiến lược đầu tư phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro và mục tiêu hướng đến là ngắn hay dài hạn. Phần lớn nhà đầu tư nữ bị coi là không tự tin vì không dám liều mà thường đầu tư kiểu "tiền đẻ ra tiền" chắc ăn như gửi tiết kiệm. Có hề gì, điều đó cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ kiểm soát rủi ro hơn thôi.
Bí quyết bỏ túi cho phụ nữ đầu tư hiệu quả
1. Sức khỏe là vàng
Nghe có vẻ hơi lạc đề nhưng tôi nghĩ mọi phụ nữ đều nên đầu tư chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình trước hết. Có sức khỏe thì phụ nữ mới đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt và tận hưởng thành quả của những cú đầu tư này.
2. Lên kế hoạch từ sớm
Hãy bắt đầu đầu tư từ khi còn trẻ với những khoản nhỏ để bắt đầu tích lũy kiến thức về các cách đầu tư, kinh nghiệm "thực chiến" và tất nhiên cả tài sản nữa dù ít dù nhiều. Dần dần, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về các công cụ đầu tư và quen với sự khó lường của thị trường ngắn hạn. Kiến thức là sức mạnh để giúp bạn tự tin hơn khi tham gia đầu tư.
3. Hiểu rõ khẩu vị rủi ro của bản thân
Nghe có vẻ "biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng thực sự hiểu rõ bạn chấp nhận rủi ro ở mức độ nào là bước đầu tiên để xây dựng danh mục đầu tư. Khẩu vị rủi ro giúp bạn xác định tài sản đầu tư hợp lý và nên phù hợp với mục tiêu đầu tư của bạn.
Tuổi đầu tư được chia thành 3 nhóm chính: trẻ (22-38 tuổi), trung niên (40-50) và sau khi nghỉ hưu (trên 50 tuổi). Nếu không tiết kiệm được nhiều trong giai đoạn mới đi làm, phụ nữ có thể bắt đầu bằng một kế hoạch tiết kiệm hàng tháng.
Khi bước qua tuổi trung niên, phụ nữ nên cân bằng rủi ro bằng cách tăng đầu tư vào trái phiếu hoặc cổ phiếu có cổ tức cao để đảm bảo thu nhập ổn định cho tương lai. Rồi khi nghỉ hưu, nên cân nhắc lựa chọn đầu tư ổn định hơn như thu nhập cố định hoặc gửi tiết kiệm.
Độc lập tài chính giờ đây không phải là một lựa chọn mà nên là ưu tiên hàng đầu với phụ nữ. Tự chủ về tiền bạc giúp chị em chủ động đối phó với tình huống khó khăn bất ngờ xảy ra hoặc theo đuổi những đam mê trong cuộc đời như theo học các khóa phát triển bản thân, đưa cha mẹ đi du lịch nước ngoài hoặc tiết kiệm mua nhà. Điều quan trọng nhất là, hơn bất cứ điều gì, chính khả năng chủ động đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình giúp phụ nữ thực sự tự tin và tự trọng hơn./.