Lợi ích kép từ chính sách tín dụng thắt chặt
Trong Báo cáo Tổng quan về thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tổng tài sản hệ thống các TCTD tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017; trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% giảm nhẹ so với năm 2017 (17,6%). “Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Cơ quan này đánh giá.
Cũng theo Ủy ban, trong năm 2018, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của hệ thống tăng trưởng ổn định, ước tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 14,6%). Do vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi tín dụng tăng thấp hơn so với các năm trước nên thanh khoản của hệ thống TCTD năm 2018 duy trì ổn định. Đáng chú ý tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân đã giảm đáng kể, xuống còn 28,7% cho thấy các NHTM đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 40% từ 1/1/2019.
Các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong năm 2019 |
Qua những dữ liệu Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2018 đã có sự cải thiện rõ nét. Thế nhưng điều khiến vị chuyên gia này ấn tượng nhất chính là việc kiểm soát chặt cung tiền, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động bất thường, sức ép lạm phát gia tăng, cho thấy sự chủ động và linh hoạt của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Việc khống chế tăng trưởng tín dụng theo quan điểm của vị chuyên gia này được coi là van an toàn quan trọng nhất giúp cho NHNN đạt được mục tiêu kép. Đó là chặn đứng nguy cơ tạo ra khủng hoảng từ cung tiền, tăng trưởng tín dụng mà ở Việt Nam đã diễn ra nhiều lần. Lợi ích lớn nữa, với sự kiểm soát chặt của NHNN, các ngân hàng cũng phải thận trọng hơn khi cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như rủi ro bất động sản, chứng khoán… Qua đó, dòng vốn chảy nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế.
Không chỉ vậy, biện pháp này còn tạo sức ép cho các ngân hàng tăng vốn. Vì muốn tăng tín dụng, buộc các ngân hàng phải tăng vốn; nếu không sẽ bị siết lại đảm bảo tổng tín dụng chỉ ở mức 14-15%. Như vậy, có thể thấy một biện pháp mà NHNN đạt nhiều mục tiêu. “Trong thời gian tới có thể NHNN áp dụng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo mức độ an toàn vốn, khả năng đáp ứng chuẩn Basel II”, TS. Nghĩa thông tin thêm và đánh giá, với cách quản lý điều hành bài bản như hiện nay cho thấy tính chuyên nghiệp trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN ngày càng cao hơn, đúng phong cách của NHTW.
Bức tranh sẽ tiếp tục sáng
Có thể thấy bức tranh ngân hàng năm 2018 có khá nhiều điểm sáng, vấn đề là liệu những điểm sáng này tiếp tục được lan tỏa sang năm 2019. Theo giới chuyên môn điều này có thể xảy ra, nhưng hệ thống ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thách thức lớn nhất mà hệ thống ngân hàng đối mặt trong năm 2019 được TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính chỉ ra chính là những biến động bất thường từ thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lộ trình thắt chặt tiền tệ của FED. Nếu cuộc chiến này trở nên căng thẳng hơn, chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, theo đó mức độ chịu ảnh hưởng sẽ là không nhỏ nếu tình hình kinh tế thế giới xấu đi. Sự bất lợi trên sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, sức ép từ Hiệp định CTPPP đối với ngân hàng cũng lớn dần khi các NĐT nước ngoài tham gia sâu, rộng hơn, cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng trong nước.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những thay đổi chính sách từ bên ngoài chắc chắn tác động đến kinh tế Việt Nam nhất là chính sách lãi suất của FED. Việc Fed tăng lãi suất có thể đẩy đồng USD tăng giá. Do neo vào đồng USD, nên khi đồng USD tăng giá thì đồng VND cũng sẽ tăng giá. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới. Đây là điều mà chúng ta cần tính toán cẩn trọng để xử lý. “Việc FED tăng lãi suất làm cho việc điều hành tỷ giá của chúng ta phải thận trọng hơn. Nếu muốn duy trì tỷ giá hối đoái ổn định như hiện nay sẽ gây sức ép tăng lãi suất đối với đồng VND. Điều này trở thành hiện thực khi thời gian qua các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND. Và một khi tăng lãi suất đầu vào sẽ khó để tránh tăng lãi suất đầu ra”, TS. Lê Xuân Nghĩa bổ sung thêm quan ngại chính sách.
Bên cạnh yếu tố khách quan, bản thân nội tại hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo như xử lý nợ xấu, quản trị rủi ro vẫn còn chưa đáp ứng quy định thông lệ quốc tế. Đặc biệt vấn đề tăng vốn là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2019 khi mà Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Liên quan đến vấn đề tăng vốn, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, đó không chỉ là áp lực mà cũng là động lực để các ngân hàng quyết tâm tăng vốn, nhất là các ngân hàng yếu kém nếu không muốn vị thế cạnh tranh của họ ngày càng suy giảm. Theo đó các ngân hàng này sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc, hoặc có thể phải tính tới phương án sáp nhập để tăng năng lực tài chính, tăng năng lực cạnh tranh.
Một áp lực nữa, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đó là tín dụng có thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn từ năm 2019. Trong bối cảnh đó, muốn duy trì được lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của cổ đông, buộc các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ thu phí. Muốn như vậy các NHTM cần phải đi sâu vào số hoá để giảm thiểu các chi phí về quản trị, quản lý, giảm thiểu nhân lực,... “Ngân hàng nào nhanh tay trong việc đổi mới công nghệ số hoá hoạt động từ đào tạo nhân lực đến quản trị thì ngân hàng đó sẽ chiến thắng”, vị chuyên gia này bình luận.